+
Aa
-
like
comment

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải về kết quả PISA của Việt Nam

04/12/2019 21:34

Kết quả PISA năm 2018 của Việt Nam cao, nhưng không được OECD đưa vào bảng so sánh toàn cầu, theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tối 4/12.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thông tin tóm tắt về kết quả PISA của Việt Nam. Học sinh Việt Nam đạt 505 điểm Đọc hiểu, cao thứ 13 trong 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 19 bậc so với chu kỳ năm 2015. Về Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, cao thứ 24, giảm hai bậc. Còn với Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, cao thứ 4, tăng 8 hạng so với năm 2015.

Báo cáo cho thấy thế mạnh của học sinh Việt Nam là ở thái độ tích cực làm bài, tỷ lệ có mặt tham gia cao, tỷ lệ trả lời hết câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới. Qua câu hỏi ở cuối đề thi về tự đánh giá nỗ lực của bản thân khi làm bài, hầu hết học sinh Việt Nam đánh giá đã làm bài thi PISA với nỗ lực cao nhất.

Về thời gian làm bài, nhiều học sinh các nước đã phải bỏ một số câu hỏi khi kết thúc thời gian ở cuối mỗi phần thi, nhưng Việt Nam chỉ bỏ 0,1% số câu hỏi, thấp hơn cả Trung Quốc – quốc gia đứng đầu (có tỷ lệ câu hỏi phải bỏ là 1,1%).

Dù đạt kết quả rất tốt, Việt Nam không được OECD đưa vào bảng xếp hạng toàn cầu. TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay có hai lý do.

Thứ nhất, do ban đầu OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang năm 2020 mới công bố. Họ muốn dành thêm thời gian nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam. Nhờ sự phối hợp tích cực của phía Việt Nam trong quá trình xử lý số liệu, đến tháng 9/2019 OECD đã đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng với các nước khác vào ngày 3/12.

“Tuy nhiên, thời điểm tháng 9, phía OECD gần như hoàn thành báo cáo so sánh quốc tế. Nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh, việc công bố sẽ không kịp như dự định”, bà Hà nói.

Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp (misfit) với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi. Mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.

TS Lê Thị Mỹ Hà. Ảnh: Dương Tâm
TS Lê Thị Mỹ Hà. Ảnh: Dương Tâm

Bà Hà thông tin thêm, quá trình phân tích, xử lý dữ liệu PISA của Việt Nam, OECD đã chất vấn, kiểm tra nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật tổ chức thực hiện đánh giá tại Việt Nam ở tất cả công đoạn. Họ đã cử trưởng ban phân tích dữ liệu của OECD sang Việt Nam làm việc, thẩm định các quyển đề thi của học sinh, phỏng vấn cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia PISA, xác minh dữ liệu.

Sau quá trình thẩm tra, OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót trong  quá trình tổ chức thực hiện, không thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm. Tuy nhiên, do kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, cho ra một mô hình khác biệt (misfit) với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính nên OECD muốn nghiên cứu sâu hơn, bà Hà cho biết.

Bài đánh giá PISA có hai hình thức thi là trên giấy và máy tính. Cả hai hình thức thi này có một số câu hỏi chung, nhưng rất khác biệt về cách thức thực hiện. Do đó, OECD cần phân tích và so sánh kết quả của các nước thi trên giấy với nhau, so sánh các nước thi trên máy tính với nhau. Bà Hà khẳng định Việt Nam đã chứng minh mô hình câu trả lời của học sinh Việt Nam hoàn toàn thống nhất với mô hình của các nước tham gia trên giấy.

Bài thi trên giấy hiện được sử dụng ở chín quốc gia, gồm: Argentina, Jordan, Lebanon, Cộng hòa Moldova, Cộng hòa Bắc Macedonia, Romania, Ả Rập Saudi, Ukraine và Việt Nam. “Không chỉ Việt Nam mà tất cả nước thi trên giấy khi so sánh với các nước OECD thi trên máy tính đều có sự khác biệt. So sánh với các nước thi trên giấy, Việt Nam có mô hình hoàn toàn tương tự, nhưng điểm khác biệt là kết quả của Việt Nam cao hơn rất nhiều”, bà Hà chia sẻ.

Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam khẳng định việc có tên trong bảng xếp hạng toàn cầu chỉ là một phần trong báo cáo của OECD và không có tên không phải là thất bại. Việt Nam vẫn nhận được kết quả thi, có thể nắm bắt điểm mạnh của học sinh, thấy được bức tranh tổng thể về giáo dục quốc tế, từ đó có thay đổi phù hợp trong việc dạy – học và đánh giá theo hướng phát triển năng lực.

Với chu kỳ năm 2018 này, PISA mới công bố ba quyển báo cáo và năm 2020 sẽ thêm ba quyển với những phân tích sâu hơn. Bà Hà hy vọng thời gian tới OECD sẽ có thêm thời gian để phân tích các điểm khác biệt về kết quả PISA 2018 của Việt Nam nhằm đưa ra bài học kinh nghiệm cho chính Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển, có thu nhập thấp. Việt Nam cũng sẽ xem xét để chuẩn bị dần điều kiện để tham gia các kỳ thi PISA sắp tới qua máy tính.

PISA (Programme for International Student Assessment) là chương trình đánh giá học sinh quốc tế, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng với quy mô toàn cầu, chu kỳ ba năm một lần, đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi ở ba lĩnh vực là Đọc hiểu, Toán, Khoa học. Mỗi kỳ sẽ có một lĩnh vực được lựa chọn để đánh giá sâu hơn, gọi là lĩnh vực trọng tâm và sử dụng làm căn cứ để xếp loại chất lượng giáo dục của các quốc gia. Năm 2018 là lĩnh vực Đọc hiểu.

Chu kỳ đầu tiên của PISA được đánh giá là năm 2000. Ban đầu, PISA được thiết kế đánh giá bằng đề thi trên giấy. Tuy nhiên, đến năm 2018, hầu hết quốc gia đã chuyển sang hình thức thi trên máy tính, chỉ còn chín nước tham gia thi trên giấy, trong đó có Việt Nam.

(Theo VnExpress)

Bài mới
Đọc nhiều