Bộ Giáo dục nói về chất lượng liên kết đào tạo sinh viên sư phạm
Trước những ý kiến cho rằng có tình trạng chất lượng đầu ra của một số sinh viên ngành sư phạm không cao một phần do một số trường không chuyên ngành sư phạm nhưng liên kết đào tạo sinh viên, Bộ GD-ĐT đã có phản hồi.
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho hay cử tri nêu vấn đề có tình trạng chất lượng đầu ra của một số sinh viên ngành sư phạm không cao, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, gây hậu quả xấu cho cộng đồng là do một số trường không chuyên ngành sư phạm nhưng liên kết đào tạo sinh viên chuyên ngành này.
Cùng đó, đề nghị có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Về việc này, Bộ GD-ĐT cho hay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học kèm theo Thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT ngày 15/3/2017, trong đó quy định rõ các điều kiện đảm bảo chất lượng và yêu cầu đối với cơ sở chủ trì đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo và cơ sở đặt lớp trong liên kết đào tạo.
Quy định này chỉ áp dụng cho hình thức đào tạo vừa làm vừa học, không áp dụng cho hình thức đào tạo chính quy. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo, thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc liên kết đào tạo, trong đó có đào tạo sư phạm, được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh việc ban hành quy định về liên kết đào tạo, để đảm bảo chất lượng đầu ra sư phạm, bắt đầu từ năm 2017, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên cũng được Bộ áp dụng đối với cả 2 phương thức xét tuyển theo kết quả học tập lớp 12 hoặc theo kết quả thi THPT quốc gia.
Cụ thể, quy định điểm sàn với những thí sinh sử dụng điểm thi THPT quốc gia và quy định chỉ những học sinh có kết quả học bạ THPT loại khá trở lên mới được xét tuyển vào ngành sư phạm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên tốt hơn.
Năm 2020, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường sư phạm dừng tuyển sinh hệ trung cấp sư phạm. Đối với hệ cao đẳng sư phạm, chỉ được tuyển hệ cao đẳng mầm non, còn tạm dừng tuyển sinh các ngành khác.
Việc chỉ học sinh khá, giỏi mới được xét tuyển vào ngành sư phạm là để đảm bảo chất lượng đào tạo, còn việc hạn chế tuyển sinh ở một số hệ đào tạo chính là để điều tiết lại nhu cầu tuyển dụng giáo viên của xã hội trong tình hình mới, tránh bị dư thừa, gây lãng phí trong quá trình đào tạo.
Hiện, Bộ GD-ĐT đang thực hiện xây dựng quy hoạch tổng thể lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học kèm theo một mạng lưới tiêu chuẩn trường sư phạm hiện đại, năng động, tự chủ; sử dụng các tiêu chuẩn này để kiểm định phân tầng xếp hạng và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm một cách khoa học, công bằng. Hệ thống các trường sư phạm sẽ được hỗ trợ hình thành các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực của ngành sư phạm; công bố công khai kết quả đánh giá, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng cùng với những thông tin liên quan đến quá trình đào tạo để người học và xã hội giám sát.
Bộ GD-ĐT cũng tích cực và chủ động phối hợp với Ngân hàng thế giới triển khai Dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”. Mục tiêu chung của dự án là phát triển các trường sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng của giáo viên và cán bộ quản lý, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Thanh Hùng/VNN