Bộ Giáo dục đề xuất tăng học phí bậc mầm non, phổ thông lên 7,5%
Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2021-2022, học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021.
Thông tin này được đưa ra trong dự thảo lần thứ 2 Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (sẽ hết hiệu lực từ năm học 2021-2022).
Theo dự thảo này, đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, mức thu học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định.
Khung học phí năm học 2021-2022 (mức sàn – mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đảm bảo chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng trong nước như sau:
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2 lần mức trần học phí trên.
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng trong nước tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí trên.
Cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc kiểm định chất lượng quốc tế được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế-kỹ thuật và được UBND cấp tỉnh phê duyệt bằng văn bản sau khi được HĐND cấp tỉnh thông qua.
Từ năm học 2022 2023 trở đi, khung, học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ tăng tối đa 7,5%/năm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân;
Về khung học phí giáo dục mầm non, phổ thông tại Nghị định số 86, theo Bộ GD-ĐT, được đánh giá là phù hợp về phương án thiết kế (khung mức sàn mức trần; phân biệt các vùng khác nhau: thành thị, nông thôn, miền núi). Tuy nhiên, ở một số địa phương có điều kiện kinh tế xã hội phát triển thì mức trần học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông vùng thành thị là 300.000 đồng/tháng/học sinh được đánh giá là quá thấp.
Ngoài ra, chưa có khung học phí cho các trường đã thực hiện tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chỉ thường xuyên và chi đầu tư.
Bộ GD-ĐT lý giải đề xuất tăng học phí bậc mầm non, phổ thông được đưa ra căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm khoảng 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm thì tổng cộng biến động của các chỉ số trên sẽ cao hơn 7,5%. Tuy nhiên để bảo đảm an sinh xã hội và chia sẻ với gia đình người học, Bộ GD-ĐT đề xuất chỉ tăng 7,5%/năm với học phí mầm non, phổ thông. Với lộ trình này thì đến năm học 2025-2026 bù đắp được 50% chi phí đào tạo, đến năm 2030 học phí sẽ bù đắp đủ chi phí đào tạo (đối với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên).
Thanh Hùng/VNN