+
Aa
-
like
comment

Bằng Đại học không ghi chính quy, tại chức: liệu có cào bằng?

sông trà - 10/02/2020 18:29

Chúng ta càng có cơ sở lo lắng về một nền giáo dục mất phương hướng, rối rắm và tập trung vào việc kiếm tiền từ việc đào tạo, cấp bằng dễ dãi thì nước ta sẽ còn nghèo lâu lắm!

Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành về việc công nhận giá trị ngang nhau giữa bằng tại chức và bằng chính quy đang được dư luận quan tâm

Một điều được dư luận quan tâm, thậm chí tranh cãi thời gian qua liên quan đến Luật Giáo dục Đại học sửa đổi là việc công nhận giá trị ngang nhau giữa bằng tại chức và bằng chính quy. Nên mới có chuyện, khi Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành cùng thời gian hiệu lực thi hành, nó lại một lần nữa tạo lên những ý kiến trái chiều.

Một điều luật và Thông tư gây hoang mang?

Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư quy định nội dung chính trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục Đại học (số 27/2019/TT-BGDĐT)  ngày 30/12/2019, có hiệu lực từ ngày 1/3/2020.

Theo đó, Điều 2: Nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục Đại học gồm:

  1. Tiêu đề:

  2. Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương).

  3. Ngành đào tạo.

  4. Tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng.

  5. Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng.

  6. Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng.

  7. Hạng tốt nghiệp (nếu có).

  8. Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng.

  9. Chức danh, chữ ký, họ, chữ đệm, tên của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định;

  10. Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Tức là, bằng đại học sắp tới sẽ không phân biệt hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn.

Việc bỏ ghi hình thức đào tạo trên văn bằng Đại học được kỳ vọng sẽ hạn chế tư duy chạy theo bằng cấp, phù hợp với xu hướng thế giới. Mục tiêu của quy định này là khuyến khích xã hội học tập, để việc học tập là suốt đời. Đây là một mục tiêu tiến bộ.

Vậy tại sao quy định này lại vấp phải sự tranh cãi, thậm chí khi luật đã có hiệu lực vẫn còn dấy lên những lo ngại? Nguyên nhân không xuất phát từ hình thức đào tạo mà nằm ở chính chất lượng đào tạo từ lâu nay.

 “Bật đèn xanh” cho sản phẩm loại B ra thị trường

Dĩ nhiên, bất kỳ một điều luật nào ra đời cũng không thể nhận hoàn toàn sự ủng hộ tuyệt đối 100% của các Đại biểu và nhân dân. Ngay chính trong Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT, cùng Bộ Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng vậy. Đó là lý do mà khi ban hành rồi, nó đã và đang khiến cho một bộ phận các chuyên gia giáo dục, dư luận tỏ ra hoang mang, còn băn khoăn vì độ “vênh” của chất lượng đào tạo.

Nhìn nhận một cách khách quan, tích cực nhất thì thực chất, bằng cấp chỉ là một tờ giấy thông hành giúp ứng viên bước qua cánh cửa hẹp để gặp nhà tuyển dụng chứ nó không bảo đảm rằng chắc chắn họ sẽ đảm nhận tốt công việc được giao bởi vì chương trình đào tạo trong nhà trường chỉ trang bị những kiến thức, kỹ năng nền tảng để chuẩn bị cho bạn tham gia vào các công việc cụ thể trong thực tế.

Liệu chúng ta có quay lại “tư duy cào bằng khi không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng đại học

Hiện nay, đa số nhà tuyển dụng cần những người làm được việc, do đó, thay vì chỉ chăm chăm vào việc lấy được bằng cấp, người học nên chú trọng vào việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn và tận dụng mọi cơ hội được tích lũy kinh nghiệm thực tiễn ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường.

Có người ủng hộ việc bỏ ghi hình thức đào tạo lên văn bằng vì theo họ: Hiện nay nhiều địa phương, đơn vị quá phân biệt bằng chính quy, tại chức, chuyên tu, từ xa. ừng nói tại chức là họ yếu kém, nhiều người rất giỏi nhưng vì điều kiện nên phải học tại chức, và học tại chức ra làm việc còn tốt hơn nhiều học chính quy, nên bỏ là đúng”.

Thế nhưng, xin thưa rằng, nhà tuyển dụng chú trọng đến năng lực thực tiễn, không quan tâm đến hình thức đào tạo thì nó chỉ phần nào đúng ở môi trường tư nhân, chứ trong môi trường hành chính công thì không “xuôi chèo” như nhiều người nghĩ.

Và nói thẳng ra, hệ tại chức và cả hệ từ xa… chắc chỉ được vài % là đi học đàng hoàng. Ngay chính bản thân người viết cũng quen biết khá nhiều người bạn, người anh người chị theo học hệ này (phần nhiều là học 2 ngành Luật và Kế toán). Về cơ bản, họ đi học cũng chỉ là để hợp thức hóa tấm bằng cho phù hợp với yêu cầu công việc. Chứ nói họ giỏi cả về lý luận lẫn thực tiễn thì không phải.

Thực tế, ở Việt Nam hiện nay, việc đào tạo Đại học chính quy và các hệ đào tạo khác chưa có sự đồng nhất về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng 1 chương trình, cùng giảng viên…Chất lượng tuyển sinh “đầu vào”, đào tạo giữa các hệ đào tạo Đại học đang có sự khác nhau rõ nét. Nhiều sinh viên học hệ đào tạo tại chức, từ xa, liên thông có ý thức học tập kém hơn so với sinh viên hệ Đại học chính quy.

Do đó, nhiều ý kiến còn băn khoăn về độ “vênh” của chất lượng đào tạo giữa hệ chính quy và tại chức cũng là lẽ đương nhiên.

Nói về việc bằng Đại học không ghi chính quy hay tại chức, dưới góc nhìn chuyên gia, TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT bày tỏ nhiều lo ngại.

 “Chất lượng đào tạo tại chức khác biệt rất lớn so với hệ chính quy. Thậm chí có thể xem bằng chính quy và bằng tại chức là 2 sản phầm trong đó có sản phẩm loại A và loại B. Vì thế, nếu bằng tốt nghiệp Đại học không ghi chính quy hay tại chức thì chẳng khác nào bật đèn xanh cho các trường tung sản phẩm loại B ra thị trường hoặc không còn sản phẩm loại B nữa” – TS Lê Trường Tùng nói.

GS.TSKH Phạm Tất Dong cũng cho rằng: “Phải có quy chế chặt chẽ chứ không thể cứ ào ào đi học để lấy tấm bằng cử nhân. Doanh nghiệp cần thợ giỏi, nhà nước cũng cần cán bộ, công chức có chuyên môn năng lực chứ không phải cần những người có bằng cử nhân mà không có kiến thức cả trên lý thuyết lẫn thực tế”.

Nói cách khác, khi không ghi bằng chính quy  hay tại chức, đồng nghĩa với việc chất lượng đào tạo của hệ chính quy và tại chức là phải giống nhau. Bản thân nhà trường phải hết sức cẩn thận trong việc chất lượng đào tạo không đảm bảo hay chất lượng học của các sinh viên không đạt thì có được phép cấp bằng hay không vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, thương hiệu của trường.

Vậy là, bây giờ không còn câu ca “dốt chuyên tu , ngu tại chức” nữa. Bằng cấp mới đã “đồng hóa” người học tốt, siêng năng với kẻ dốt, lười học. Nó dẫn tới một hệ lụy khác là nhiều người ngồi nhà chơi và học từ xa ta cũng có bằng như ai. Dù không giỏi, nhưng ra trường vẫn là loại giỏi, tội gì lao đầu vào học để thi, học vào các trường công lập cho vất vả, tốn kém.

Có thể thấy, việc tiến tới thống nhất văn bằng đại học thể hiện sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới, nhưng sẽ chỉ tạo được đồng thuận khi chất lượng của các hình thức đào tạo ngang nhau. Ngược lại, khi chất lượng không như nhau thì chưa thể cấp một loại văn bằng, vì sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng bằng cấp để thăng tiến.

Quan trọng hơn, điều luật mới này, chúng ta đang quay về tư duy cào bằng, không khuyến khích được nỗ lực của người học. Nguy hiểm hơn, chúng ta càng có cơ sở lo lắng về một nền giáo dục mất phương hướng, rối rắm và tập trung vào việc kiếm tiền từ việc đào tạo, cấp bằng dễ dãi thì nước ta sẽ còn nghèo lâu lắm!

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều