+
Aa
-
like
comment

Bộ GD&ĐT quyết định học sinh được nghỉ hè 3 tháng

27/07/2020 19:53

Bộ GD&ĐT thông tin năm học 2020-2021 sẽ kết thúc trước ngày 31/5. Thời gian tựu trường sớm nhất là 1/9.

Ngày 27/7, Bộ GD&ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021. Thời gian tựu trường kéo dài hơn so với mọi năm.

Năm học 2020-2021, học sinh được nghỉ hè 3 tháng. Ảnh: V.H.

Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2020-2021, học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên tựu trường sớm nhất ngày 1/9. Các trường tổ chức khai giảng ngày 5/9. Học kỳ I kết thúc trước ngày 16/1. Học kỳ II hoàn thành trước ngày 25/5. Năm học sẽ kết thúc trước ngày 31/5.

Các cơ sở giáo dục xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS trước ngày 15/6. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hoàn thành trước ngày 31/7.

Thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia sẽ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT nêu rõ việc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương phải bảo đảm số tuần thực học. Đối với mầm non, phổ thông có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 18 tuần, học kỳ II có ít nhất 17 tuần). Trung tâm giáo dục thường xuyên có ít nhất 32 tuần thực học.

Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương. Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của luật lao động và các văn bản hướng dẫn.

Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên thực hiện khi nghỉ hè hoặc bố trí xen kẽ thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.

Chiều 30/6, trong cuộc họp báo thường kỳ, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục tổ chức dạy trước khi tựu trường, làm ảnh hưởng thời gian nghỉ hè.

Nhiều tỉnh thành ủng hộ phương án này. Ngày 1/7, Sở GD&ĐT Nghệ An gửi công văn đến các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc sở về việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm trong thời gian học sinh nghỉ hè.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng trẻ nghỉ hè 3 tháng sẽ quên kiến thức. Các chuyên gia giáo dục, giáo viên cho rằng trẻ nên học kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế thay vì học thêm.

Quyên Quyên/ZN

Bài mới
Đọc nhiều