Vì sao GS Hồ Ngọc Đại không phản ứng gì khi Bộ GD&ĐT phản hồi về việc SGK của ông bị loại?
Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời PGS.TS Nguyễn Kế Hào, người đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục, gửi kiến nghị về việc SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại.
Công văn trả lời của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ngày 25/9 gửi PGS.TS Nguyễn Kế Hào, nêu: SGK là tài liệu triển khai chương trình giáo cụ phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh.
SGK định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Việc biên soạn, xuất bản SGK của các tổ chức, cá nhân thực hiện công bằng, minh bạch và theo quy định của pháp luật.
Văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT cũng dẫn Thông tư 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, quy định về tổ chức, thành lập và hoạt động của hội đồng thẩm định.
Các hội đồng quốc gia được thành lập và hoạt động theo đúng quy định tại Thông tư 33 với tinh thần nghiêm túc, khách quan, khoa học, công bằng.
Bộ GD&ĐT khẳng định trong lần thẩm định này 5 bộ sách của 9 môn học trong chương trình lớp 1 được nhà xuất bản có chức năng xuất bản SGK đề nghị Bộ GD&ĐT thẩm định.
Trong đó, các bản mẫu SGK môn Tiếng Việt lớp 1, Toán lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên là một trong các bộ sách được NXB Giáo dục đề nghị thẩm định. Qua thẩm định vòng 1, một số bản mẫu sách được xếp loại “đạt nhưng cần sửa chữa” và có một số bản mẫu được xếp loại “không đạt”.
Đối với bản mẫu SGK Tiếng Việt 1 và Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT ghi rõ: “GS Hồ Ngọc Đại đã được Bộ GD&ĐT mời đến nghe thông báo kết quả, đối thoại với từng hội đồng thẩm định. Tại các buổi làm việc này, GS Hồ Ngọc Đại và cộng sự đã nghe kết luận của các hội đồng và không có ý kiến thêm”.
Vì vậy, tập thể tác giả bản mẫu sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018 và đề nghị thẩm định lại theo quy định tại Thông tư 33 để sách có cơ hội góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.
Trước đó, trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng và Bộ trưởng GD&ĐT của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, PGS.TS Nguyễn Kế Hào viết: Bộ sách này không giống sách cải cách giáo dục được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước năm 1981, không giống sách của chương trình tiểu học năm 2000 được triển khai rộng rãi năm 2002, mà góp phần tích cực làm lành mạnh và phát triển giáo dục tiểu học trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như giai đoạn từ năm 2006-2007 đến nay.
Công nghệ Giáo dục không phải bộ sách cần thay bằng sách cải cách hay của chương trình tiểu học năm 2000, mà là bộ sách mới được thực tế cuộc sống lựa chọn.
Quyên Quyên