Bộ GDĐT lên tiếng việc lãnh đạo sở nhận thù lao hằng tháng từ nhà xuất bản
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Sở Giáo dục-Đào tạo TP.Hồ Chí Minh sẽ có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc lãnh đạo Sở Giáo dục nhận thù lao hằng tháng từ phía nhà xuất bản.
Liên quan đến dư luận phản ánh về việc từ năm 2015 đến nay, lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả thù lao hằng tháng để phối hợp biên soạn bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức lên tiếng.
Văn bản trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Theo quy định của Luật Xuất bản thì việc liên kết với tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất bản quy định trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản. Vì vậy, tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm (ở đây là sách giáo khoa).
Trách nhiệm của đối tác (cá nhân, tổ chức) liên kết xuất bản với nhà xuất bản đã được quy định trong Luật Xuất bản và các quy định có liên quan của pháp luật. Ngoài ra, nếu đối tác liên kết xuất bản là cán bộ, công chức nhà nước thì phải tuân thủ các quy định của Luật Công chức; Luật Phòng chống tham nhũng…, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng tránh sự xung đột về lợi ích có thể xảy ra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong trường hợp này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Sở Giáo dục-Đào tạo TP.Hồ Chí Minh có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc mà báo chí đã nêu.
Ngoài ra, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn sách giáo khoa, dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ đang lấy ý kiến rộng rãi đã quy định: “Người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia vào Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa”.
Cùng với việc ban hành thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với các cơ quan quản lý ở địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông để đảm bảo đúng thực hiện pháp luật, công bằng, công khai, minh bạch.
Thời gian qua, để chuẩn bị cho chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, các nhà xuất bản cũng tập đội ngũ chuyên gia để biên soạn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Đơn cử, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng Ban chỉ đạo sách giáo khoa từ rất sớm.
Từ năm 2015 (năm 2018 Bộ GDĐT mới ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới) đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bỏ tiền để chi trả thù lao cho các thành viên trong ban soạn thảo bộ sách giáo khoa miền Nam.
Trong danh sách những người được chi trả thù lao có 11 người là giám đốc, phó giám đốc sở, cùng chánh văn phòng, phó văn phòng, các trưởng, phó phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh. Mức chi dao động từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng.
Bộ sách được thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc ký ngày 25.9.2015 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về việc tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa mới.
(Theo Lao Động)