+
Aa
-
like
comment

Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền tước đi quyền “được thi” của học sinh

08/08/2020 12:05

Hôm nay, ngày 08/08, khoảng gần 850.000 thí sinh trên cả nước sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kỳ thi diễn ra đúng vào dịp dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trong nước khiến các ý kiến lo ngại của giới chuyên môn và các bậc phụ huynh nở rộ so với các kỳ thi trước. Bên cạnh những ý kiến đồng ý tổ chức thi theo phương án của Bộ Giáo dục Đào tạo, cũng có một số ý kiến đề nghị hoãn hoặc hủy bỏ kỳ thi, thay vì tổ chức thi nên xét tốt nghiệp. Tất nhiên, những ý kiến này không hẳn không có lý.

Sẵn sàng mọi kịch bản cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Tuy nhiên, có những điều mà khi tranh luận, có thể vì mải mê nên đôi lúc chúng ta quên mất điều cốt lõi, đó là tranh luận có giải quyết được gì không? Chúng ta gây áp lực lên đối tượng ấy có đúng không? Như trong trường hợp có ý kiến đề nghị hủy cuộc thi này chẳng hạn. Đọc kỹ Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua năm 2019, có hiệu lực thi hành bắt đầu từ 1/7/2020 mới thấy, việc thi tốt nghiệp THPT không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của các học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền tước đi cái quyền “được thi” ấy của các em mà phải là cấp cao hơn hoặc Quốc hội. Chính vì vậy, việc chúng ta cứ đổ hết lên đầu bộ, yêu cầu Bộ trưởng phải hủy thi, thay bằng hình thức khác là đã làm khó cho Bộ trưởng. Bởi việc đó ngoài tầm tay của ông.

Về phía mình tôi thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi này cũng đã rất chủ động, linh hoạt khi nghiên cứu, đưa ra nhiều phương án để báo cáo, trình Chính phủ quyết định. Việc tổ chức kỳ thi làm 2 đợt hoặc phân loại các nhóm thí sinh thuộc các đối tượng F khác nhau thì thi theo hình thức riêng đã chứng tỏ điều ấy. Ngoài ra, Bộ cũng đã có những văn bản chỉ đạo các trường đại học trong hệ thống có những điều chỉnh về thời gian, cách thức tuyển sinh để tránh thiệt thòi cho các em thi tốt nghiệp THPT năm nay…

Tất nhiên, kỳ thi thành công hay không còn phải chờ khi nó kết thúc. Để thành công, yếu tố bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu. An toàn ở đây trước hết là an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Muốn an toàn, mình Bộ Giáo dục không đủ sức và cả quyền năng, mà cần sự chung tay, đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực của các ngành, địa phương, phụ huynh, học sinh, nói chung là toàn xã hội. Trong đó chính quyền các địa phương đóng vai trò chủ đạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những văn bản chỉ đạo trong ngành và các công văn đề nghị sự phối hợp từ phía các địa phương; các địa phương cũng đã lên những phương án tối ưu để bảo đảm tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, giờ không phải là lúc chúng ta tranh luận về việc có cần thi hay không nữa.

Thêm bất cứ ca bệnh mới nào trên đất nước này cũng đều là thêm một sự lo lắng, thách thức mới. Bộ Giáo dục thừa hiểu điều đó và chắc chắn không bao giờ dám mạo hiểm đem kỳ thi ra để thách thức với dịch bệnh. Vấn đề là, những gì thuộc lĩnh vực họ được giao phụ trách, họ buộc phải nỗ lực bằng mọi cách triển khai thực hiện mà thôi. Và ở vào tình thế này, cách tốt nhất cho tất cả chúng ta là cầu chúc, chờ đợi, tin tưởng vào 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công!

Chiến Văn

*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều