+
Aa
-
like
comment

Bộ GD-ĐT đề nghị điều tra hành vi xuyên tạc nội dung sách giáo khoa

Bích Vân - 18/10/2023 12:01

Bộ GD-ĐT cho biết đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguồn gốc thông tin xuyên tạc nội dung sách giáo khoa, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đăng tải.

Bộ GD-ĐT khẳng định đây là những nội dung không có trong sách giáo khoa hiện hành

Vài ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa như: Giã gạo thổi cơm, Bắn tung tóe, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó… kèm theo những bình luận rất tiêu cực.

Bộ GD-ĐT vừa có thông báo khẳng định: “Đây là những nội dung không có trong sách giáo khoa hiện hành đang được thực hiện tại các nhà trường”.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết: “Đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguồn gốc thông tin trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đăng tải, xuyên tạc”.

Theo tìm hiểu, những ngữ liệu nói trên nằm ở một số cuốn sách, truyện của các nhà xuất bản khác nhau nhưng không phải là sách giáo khoa hiện hành. Ví dụ, bài Giã gạo thổi cơm trong cuốn Nựng nựng nà nà thuộc bộ Đồng dao cho bé của Nhà xuất bản Kim Đồng; bài Vẽ gì khó hay Bé xách đỡ mẹ nằm trong sách tiếng Việt 1 bộ Công nghệ giáo dục từng được sử dụng trong một số trường theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006…

Từ năm 2020 đến nay, Bộ GD-ĐT thẩm định và quyết định phê duyệt 3 bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều, được đưa vào sử dụng từ năm 2020.

Lần đầu tiên trong 4 lần “thay sách”, Bộ GD-ĐT không trực tiếp biên soạn sách giáo khoa. Dù có nhiều bộ sách nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm ở khâu cuối cùng là tổ chức hội đồng thẩm định và phê duyệt từng cuốn sách giáo khoa trước khi cho xuất bản và lựa chọn ở các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, một số sách giáo khoa vừa đưa vào sử dụng năm đầu tiên đã gây bức xúc trong dư luận khi sử dụng từ ngữ, ngữ liệu chưa phù hợp như cuốn tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh diều. Nhiều bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu hoặc xa lạ với trẻ, không có tính giáo dục, khiến Bộ GD-ĐT phải yêu cầu nhà xuất bản có sách giáo khoa này tiếp thu, chỉnh sửa. Rất nhiều từ ngữ, ngữ liệu trong cuốn sách giáo khoa này vừa mới đưa vào cũng đã phải thay thế, điều chỉnh.

Đa số ý kiến của các chuyên gia và nhà giáo đều cho rằng, dù thay đổi thế nào, sách giáo khoa vẫn phải rất chuẩn xác. Do đó, trong tất cả các khâu từ biên soạn, thẩm định, thực nghiệm… và phát hành, sách giáo khoa phải bảo đảm chất lượng, chuẩn mực cao nhất.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều