Bộ đội kể việc tìm kiếm 22 người mất tích
Hai ngày đêm, hàng trăm quân nhân cùng chó nghiệp vụ, xe múc đào bới bùn đất để tìm thi thể 22 đồng đội.
Kết thúc vụ tìm kiếm 22 quân nhân Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 (Đoàn 337) bị vùi lấp ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa tối 19/10, trung tá Trần Hiệp Sỹ, Cụm trưởng Cụm cơ động chó nghiệp vụ, Trường trung cấp 24 biên phòng, nói thấy nhẹ lòng khi góp phần giảm bớt nỗi đau cho đơn vị, gia đình.
8h ngày 18/10, 7 tiếng sau khi quả núi đổ xuống các gian nhà của Đoàn 337, đội chó nghiệp vụ được điều từ xã Tà Rụt, huyện Đăkrông lên, nhưng mắc kẹt tại điểm sạt lở ở km15 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, cách hiện trường 2 km. Đến 16h, đội mới lội bùn lầy vào đến nơi.
Trung tá Sỹ choáng ngập bởi “không thể hình dung hiện trường rộng hàng chục nghìn mét vuông, hàng triệu m3 đất đá đổ xuống”. Nhà cửa của đơn vị bị xô đổ, mái tôn vò nát, quyện trong bùn lầy. Chiếc bể nước cao hơn 4 m bị xô lật úp.
Do tiếp cận hiện trường muộn, trời tối cộng với mưa lớn, lực lượng cứu nạn phải dừng tìm kiếm để đảm bảo an toàn. Tối đó, cả đội tìm kiếm khoảng 500 người không ngủ, chỉ mong trời nhanh sáng để sớm tìm được đồng đội.
Ngày 19/10, cả đội dậy rất sớm, hoàn thành công tác chuẩn bị và bắt đầu tìm kiếm lúc 6h. Sau 20 phút vào hiện trường, chó nghiệp vụ xác định được nguồn hơi, trung tá Sỹ đánh dấu vị trí nghi có thi thể bằng cách cắm cờ.
Để chắc chắn, hai chó nghiệp vụ kiểm tra chéo lẫn nhau. Xác định chính xác dưới đất sâu có thi thể, máy múc bốc bớt bùn đất phía trên, rồi cán bộ, chiến sĩ đào bằng cuốc xẻng nhưng phải rất cẩn thận để tránh làm ảnh hưởng.
Đội tìm kiếm làm xuyên trưa, ba chó nghiệp vụ cũng vậy. Bùn đất dày, lầy lội, thi thể nằm sâu trong đất, chó nghiệp vụ phải làm việc vất vả. Các huấn luyện viên phải thường xuyên động viên, vỗ về chúng.
Trung tá Sỹ nhớ nhất lần cuối cùng cắm cờ báo hiệu, các máy múc được điều đến cào bớt lớp bùn đất. Tuy nhiên, ở đó có bể nước lớn bị lật úp. Việc phá bể nước sẽ mất thời gian và có thể tác động đến thi thể. Sau hồi bàn tính, cuối cùng xe múc húc cho bể nghiêng, đủ để một số bộ đội chui vào tìm kiếm, đưa thi thể ra ngoài.
Trung tá Sỹ đánh giá, nếu không có chó nghiệp vụ, để múc lần lượt khối đất đá 2 triệu m3 trải rộng trên hàng nghìn mét vuông ra bên ngoài sẽ rất tốn thời gian, công sức và chưa biết khi nào mới tìm thấy thi thể.
Cũng tham gia tìm kiếm 22 quân nhân mất tích, sĩ quan Lê Văn Hoàng (Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Trị) kể cảnh tượng sạt lở “rất kinh hoàng”, khối lượng đất đá và bê tông quá lớn. Mọi người được phân công thành từng nhóm, chia vị trí và nhiệm vụ cụ thể.
Trong chiều 18/10, trời tiếp tục mưa to, ngọn núi phía sau doanh trại thỉnh thoảng lại sạt lở. Thống kê cho thấy đội tìm kiếm phải 6 lần sơ tán khi nghe kẻng báo động. “Chúng tôi vừa cuốc bùn đất, vừa dỏng tai nghe ngóng tiếng kẻng báo sạt lở để tìm đường chạy”, ông Hoàng kể.
Trong màn đêm đen đặc, nghe tiếng kẻng báo động giữa vùng rừng núi hoang vu ông Hoàng bảo “thật nao lòng”. Nhưng cũng tiếng kẻng ấy đã thôi thúc ông và đồng đội thực hiện việc tìm kiếm nhanh hơn. Bởi nếu không đất sạt xuống tiếp, hiện trường bị xáo trộn, việc đưa thi thể ra ngoài càng khó khăn hơn.
Đến chiều 19/10, 22 người bị vùi lấp được tìm thấy. Lực lượng cứu nạn đánh giá dù đường vào khu sạt lở bị chia cắt, khối lượng bùn đất lớn, nhưng do có sự hỗ trợ của phương tiện cơ giới đang thi công công trình ở địa phương, chó nghiệp vụ đến sớm và quyết tâm của 500 cán bộ, chiến sĩ nên việc tìm kiếm sớm kết thúc.
Trước đó 1h ngày 18/10, sau nhiều ngày mưa to, quả núi bất ngờ đổ xuống các gian nhà của Đoàn 337. 5 người được cứu ra ngoài, 22 người bị vùi lấp gồm 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ.
Đoàn 337 làm nhiệm vụ ở 5 xã biên giới vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa. Trong tháng 10, đoàn khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn đóng quân theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và đề nghị của chính quyền địa phương.\
Hoàng Táo/VNE