Bộ đội dầm mưa, ngủ rừng lập chốt chống dịch
Chiến sĩ biên phòng ăn mì tôm sống, uống nước suối, trải lá ngủ qua đêm trong rừng lập chốt chống dịch dọc biên giới.
22h ngày 17/3, trung tá Hoàng Xuân Kỳ, cán bộ trinh sát, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đang cùng đồng đội tuần tra trên vùng biển Cửa Sót, huyện Lộc Hà. Lệnh điều động lên biên giới Lào cắm chốt chống Covid-19 đến khẩn cấp. Họ quay thuyền cập bờ, đi về Bộ chỉ huy ở thành phố Hà Tĩnh nghe phân công nhiệm vụ.
Cho đến thời điểm đó, đã một tháng rưỡi người lính biên phòng chưa về nhà. Đứa lớn mới lên 4, đứa nhỏ mới 15 tháng tuổi. Trước mặt anh là một nhiệm vụ mới, có thể sẽ kéo dài nhiều tháng nữa.
Giữa tháng 3, nhà chức trách Lào, Thái Lan yêu cầu siết chặt biên giới phòng Covid-19. Hàng nghìn lao động Việt Nam ồ ạt về nước qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn, mỗi ngày từ 200-700 lượt. Để ngăn chặn tình trạng người dân vượt biên trái phép qua đường tiểu ngạch, từ ngày 18/3, trên tuyến biên giới dài 165 km ở huyện Hương Sơn, Vũ Quang và Hương Khê, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh lập 16 chốt chặn trong rừng.
5h ngày 18/3, xe chở trung tá Kỳ cùng đồng đội tới Trạm kiểm soát biên phòng Cầu Treo. 15 chiến sĩ cuốc bộ, leo dốc đá đi theo đường mòn khoảng 30 phút đến khu rừng bên cánh phải cửa khẩu, cách Quốc lộ 8A bốn cây số để dựng lán. “Cấp tốc” là nhiệm vụ bộ chỉ huy đặt ra. Sáng hôm sau, dự kiến hàng nhìn lao động sẽ ồ ạt qua Cầu Treo.
Ngày đầu tiên, 15 chiến sĩ chỉ kịp mang theo tấm dao, rựa, cuốc, xẻng cùng mì tôm. Vị trí đặt chốt là khoảnh rừng tre nứa và cây bụi rậm rạp nằm trên dốc đá son. Lán theo yêu cầu cao 3 m, rộng 4 m2, bên trong đủ đặt một chiếc giường, chăn màn, vật tư y tế và đồ dùng cá nhân.
Giữa bãi đất dốc đầy đá, nhiệm vụ đầu tiên là cải tạo mặt bằng. Tổ công tác phải xúc đất đổ đi chỗ khác lấy nền, song đào toàn trúng đá. “Chúng ta tận dụng tối đa vật liệu từ thiên nhiên”, trung tá Kỳ đề nghị như vậy khi thấy dây buộc, tấm phản, cọc chống chưa có. Các chiến sĩ sau đó đi chặt cây dựng cọc làm khung tạo hình cho lán, dùng dây leo tại rừng để buộc các chỗ cố định.
18h, trời đổ mưa, cũng là lúc mặt bằng và khung lán được tạo xong. Chưa có vải dù để phủ lên trên. Người ướt sũng, bạt, chăn màn chưa kịp đem theo, các chiến sĩ đi hái lá, cành cây đem trải dưới các bãi đất gần lán để nghỉ. “Cả ngày anh em ăn mỳ tôm, dùng tạm nước suối dưới khe khi khát”, trung tá Kỳ kể. Đêm hôm đó, trời mưa rả rích, 16 chiến sĩ vừa nằm vừa run, không thể chợp mắt. Thỉnh thoảng họ phải đưa tay vào cổ kiểm tra, hoặc ngồi dậy bật đèn pin soi chân xem có bị vắt hay côn trùng bám.
Sáng 19/3, cách nơi trung tá Kỳ đang làm nhiệm vụ 4 km, tại luồng nhập cảnh cửa khẩu Cầu Treo ghi nhận hơn 700 người nhập cảnh, con số lớn nhất trong tháng. 19h, trong những chuyến xe cuối chở người về từ Thái Lan vào huyện Hương Sơn có Nguyễn Thị Hiền, 17 tuổi, trú Nghệ An, là nhân viên một quán rượu tại Bangkok. Cô sau đó trở thành bệnh nhân đầu tiên tại Hà Tĩnh nhiễm nCoV, và là bệnh nhân 146 của Việt Nam.
Thời điểm “bệnh nhân 146” nhập cảnh vào Hà Tĩnh cũng là lúc chốt dã diến nơi biên giới cơ bản xong. Trong ngày, nhờ sự tiếp tế vật chất, lương thực từ dưới Trạm kiểm soát Cầu Treo lên, tổ công tác không còn phải ăn mỳ tôm, uống nước suối. Hai tấm vải dù được kết lại, căng xung quanh các cọc tre đóng sẵn để hoàn thiện lán. Bên trong đặt chiếc phản dài 1,8 m, rộng 2 m được làm từ cây rừng. Chếch trái, bếp dã chiến được dựng lên để sưởi ấm, hâm nóng nước và đồ ăn.
Trung tá Kỳ nói, hơn 20 năm trong quân ngũ, từng đối mặt với nhiều tình huống cấp bách trong chiến đấu, song đây là lần đầu tiên đối mặt với một nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia liên quan dịch bệnh. Là trinh sát, coi rừng và biển là nhà, anh Kỳ đã quá quen đối mặt với áp lực và nỗi nhớ gia đình. Và lần này, anh chuẩn bị tâm lý “sẵn sàng xác định sẽ tiếp xúc với trường hợp dương tính nCoV”.
Cửa khẩu Cầu Treo, huyện Hương Sơn giáp với tỉnh Bolykhamxay, Lào, nơi này ngoài trung chuyển người còn là điểm buôn ma túy. Nhiều lao động Việt Nam bị những ông trùm “xứ Triệu Voi” lợi dụng, thuê vận chuyển ma túy qua đường tiểu ngạch, trả tiền công cao. Với địa hình đồi núi, dốc thoải, cây rậm rạp, việc kiểm soát người vượt biên, nhất là tội phạm ma túy tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một ca trực tại chốt phòng dịch kéo dài 4 tiếng với 6 người, xuyên suốt 24/24. Đầu giờ sáng, trưa, tối, 6 chiến sĩ sẽ đưa cơm, nước lên chốt để thay ca, cho đồng đội về nghỉ ngơi. Hàng ngày, họ dắt chó nghiệp vụ đi tuần theo các đường mòn, lối mở trong khoảng bán kính 10 km.
Ngày 21-22/3, khi đang chốt chặn, tổ công tác nghe tiếng chó nghiệp vụ báo động. Lần theo các lối mòn, trinh sát lần lượt phát hiện 2 người vượt biên. Họ trình bày thiếu hộ chiếu nên phải đi đường tiểu ngạch. Lập tức, toàn tổ công tác 15 người được huy động đầy đủ, họ hóa thành những “bác sĩ quân y”.
Tất cả đứng cách 2 m ở phía trên chiều gió, đeo găng tay, dùng nước khử khuẩn, dùng máy đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe sức khỏe cho người vượt biên. Hoàn thành nhiệm vụ sàng lọc bước đầu, chiến sĩ dẫn họ xuống bàn giao Trạm kiểm soát Cầu Treo chở về cách khu cách ly y tế tập trung ở huyện Hương Sơn.
Từ 18/3 đến nay, biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện, ngăn chặn 15 người Việt Nam nhập cảnh vào Hà Tĩnh trái phép, đưa về cách khu cách ly tập trung; đẩy đuổi 5 người nước ngoài không có giấy tờ về nước.
“Anh em ở các chốt chống dịch làm việc trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, cấp trên luôn ghi nhận và biết ơn sự nỗ lực của họ”, trung tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, nói.
Biên giới sóng điện thoại chập chờn, thỉnh thoảng mới kết nối mạng nói chuyện được với gia đình trong vài phút. Vợ trung tá Kỳ rất lo, rất lo khi anh phải đối mặt với nguy cơ nhiễm nCoV.
“Em yên tâm, anh nên biết làm gì và làm thế nào để bảo vệ an toàn cho hậu phương và tập thể”, anh Kỳ nhắn nhủ. Hơn 2 tháng chưa về, anh Kỳ nói mình nhớ nhà. Lần tới anh về nhà, có thể phải tới khi hết dịch. “Thèm bữa cơm gia đình vô cùng”, người lính chia sẻ.
Đức Hùng/VNE