+
Aa
-
like
comment

Bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú: Bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú

Sơn Ca - 13/05/2020 07:29

Ngày 12/5, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra chính thức dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú: Bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú
Đại biểu Phạm Văn Hoà. Ảnh: Ngọc Thắng

Về việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào TP trực thuộc Trung ương, qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đó.

Theo loại ý kiến này, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Mặt khác, tuy Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô quy định điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các địa phương này nhưng thực tế không đạt hiệu quả  như kỳ vọng.

ĐB Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật – tán thành với đề xuất quy định về việc bỏ đăng ký thường trú vào các TP trực thuộc Trung ương. ĐB chỉ ra rằng, dân số cơ học những người thường trú, tạm trú, những người chưa cư trú tại TP Hà Nội là rất đông. Dù những người này không thường trú nhưng họ vẫn tạm trú, thậm chí ở Hà Nội từ đời này sang đời khác.

TP Hồ Chí Minh dân số cơ học cao gấp đôi dân số có hộ khẩu nhưng vẫn quản lý được. Theo ĐB, việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú là hết sức cần thiết. Việc quy định như vậy sẽ tăng áp lực về cơ học, điều kiện trường học… nhưng những vấn đề này khi thi hành chính quyền địa phương sẽ có biện pháp để tăng cường năng lực đáp ứng được.

Còn theo ĐB Đào Thị Tú Hoa, đây là việc rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống, làm việc, học tập của người dân mà lớn hơn là đến an ninh trật tự của TP, đặc biệt là với Thủ đô – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ quan đầu não của cả nước.

Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là không chỉ thực hiện việc tự do cư trú mà còn phải đảm bảo hài hòa an ninh xã hội, đảm bảo an ninh, chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, ĐB cho rằng chưa có cơ sở để quyết định việc sửa đổi như đề xuất trong Dự thảo Luật.

Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tiếp thu các ý kiến, đảm bảo các yêu cầu với các luật không bị chồng chéo, giải quyết được các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bổ sung thêm một số ý kiến như khai báo tạm vắng rồi có khai báo tạm trú không, khai báo tạm trú rồi có khai báo tạm vắng hay không…

Theo Điều 20 Luật Cư trú 2006 thì:

Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Như vậy, ngoài điều kiện về thời gian sinh sống, bạn còn phải đáp ứng các điều kiện khác để được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Cư trú 2006 để nắm rõ quy định này.

Sơn Ca

Bài mới
Đọc nhiều