+
Aa
-
like
comment

Bộ Công Thương nói về việc EU thông qua Hiệp định EVFTA với Việt Nam

Hồng Anh - 12/02/2020 20:24

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc EVFTA được phê chuẩn khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, EP đã chính thức bỏ phiếu thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA với tỉ lệ phiếu áp đảo.

Chiều 12/2, ngay sau khi Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Bộ Công Thương tổ chức buổi họp báo về Hiệp định EVFTA.

Theo thông tin chính thức từ Bộ Công Thương, 12h ngày hôm nay (12/2) (giờ châu Âu, tức 18h Việt Nam), EP đã chính thức bỏ phiếu thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA với tỉ lệ phiếu áp đảo, đạt 63,33%. Kết quả: đối với EVFTA, tổng số 633 nghị sỹ bỏ phiếu, có 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn; đối với EVIPA, trong tổng số 648 nghị sỹ bỏ phiếu, có 407 phiếu ủng hộ phê chuẩn.

Nhận định về kết quả này tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là kết quả tốt đẹp, là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với Việt Nam và EU. Hai bên đã bước vào giai đoạn cuối cùng hoàn tất để chuẩn bị kích hoạt Hiệp định EVFTA. Việc EP thông qua Hiệp định EVFTA đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – EU, hướng tới toàn cầu hóa dựa trên hệ thống thương mại đa phương.

Người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.

Không chỉ thế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc thông qua Hiệp định EVFTA cũng thể hiện sự tin cậy của EU đối với Việt Nam như một đối tác toàn diện không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.

“Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tư do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

bo truong tran tuan anh evfta duoc phe chuan lan dau tien viet nam tro thanh nuoc di dau trong hoi nhap
Hiệp EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD. (Nguồn: The Leader) 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang ngày càng gia tăng ở một số nước, bối cảnh tình hình chính trị – an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp Việt Nam củng cố vị thế trong khu vực và trên toàn thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD. Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập thêm chuỗi cung ứng mới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, EVFTA là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường châu Âu và là điều kiện để Việt nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi EVFTA có hiệu lực, 85% dòng thuế của Việt Nam giảm xuống còn 0% và 7 năm sau, tỉ lệ dòng thuế được xóa bỏ nâng lên 99%. Ông Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, thời gian tới, sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào Việt Nam, nhất là từ các nước thuộc nhóm EU.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trấn Tuấn Anh cũng nhận thấy, Việt Nam sẽ gặp phải một số rào cản nhất định khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, điển hình như rào cản kỹ thuật và đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Đối với ngành nông nghiệp, Việt Nam cần đẩy mạnh chất lượng ngành nông nghiệp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của EU bởi, theo ông Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu không tổ chức tốt trong sản xuất ngành công nghiệp thành chuỗi cung ứng thì lợi ích từ Hiệp định sẽ bị giảm bớt.

Đối với ngành công nghiệp, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh việc phát triển, ban hành nhiều chính sách, thông tư hướng dẫn cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư để có chính sách thu hút đầu tư từ cả trong và ngoài nước đối ngành này.

Người đứng đầu Bộ Công Thương thông tin rằng, theo quy định của EU, Hiệp định EVFTA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội Việt Nam phê chuẩn để Hiệp định sớm đi vào hiệu lực.

Bài mới
Đọc nhiều