+
Aa
-
like
comment

Bộ Công Thương: Một số hãng từ chối vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga

04/03/2022 12:42

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, xung đột Nga – Ukraine gây ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện và tiêu cực, trước mắt và lâu dài tới kinh tế, thương mại, tài chính, tới chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của thế giới cũng như Việt Nam.

Xung đột Nga - Ukraine gây tăng giá xăng dầu, thiết bị y tế đến tiêu dùng.
Xung đột Nga – Ukraine gây tăng giá xăng dầu, thiết bị y tế đến tiêu dùng.

Từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga

Lãnh đạo Vụ Thị trường Âu – Mỹ cho biết, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu. Vì vậy, sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những biến động thị trường; tới tăng trưởng, phát triển kinh tế, hợp tác kinh tế thương mại, cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa.

Riêng về thị trường Nga và Ukraine, lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ cho rằng, cả Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á – Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, Ukraine xếp ở vị trí thứ 6.

Chính vì vậy, nếu xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, chắc chắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai nước trên.

Bởi, cuộc xung đột này là nguyên nhân làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt – dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, nickel, ngô… do thị phần sản xuất và xuất khẩu của các nước trên rất lớn.

Theo thống kê, hiện Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu và khoảng 2,5 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 10% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nga cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu và khách hàng lớn nhất của nước này là Châu Âu;

Đối với mặt hàng nhôm và nickel, Nga cũng là nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới. Riêng đối với mặt hàng lúa mỳ, Nga và Ukraine chiếm tới 1/4 nguồn cung xuất khẩu lúa mỳ của thế giới). Do đó nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước (trong đó có Việt Nam) gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu trên trong thời gian tới.

Về thanh toán các hợp đồng thương mại, đối với Nga, liên tiếp trong thời gian vừa qua, Mỹ và các nước phương Tây đã đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống ngân hàng – tài chính của Nga. Những trừng phạt này, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng sử dụng đồng tiền thanh toán là đôla Mỹ.

Ngoài ra, tỉ giá đồng Rub biến động, mất giá rất mạnh khiến một số nhà nhập khẩu của Nga đề nghị tạm dừng thanh toán trong 2-3 tuần để chờ tình hình ổn định.

Về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hoá.

Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Ảnh minh họa

Khuyến cáo gì?

Về tác động trung hạn và dài hạn trước cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ cho rằng “còn quá sớm để có thể đánh giá những tác động trung và dài hạn trong căng thẳng Nga – Ukraine đến quan hệ thương mại với Việt Nam”.

Bởi, nhiều khả năng các biện pháp cấm vận sẽ còn được mở rộng, đặc biệt cần phải xem xét đến phản ứng của Chính phủ Nga với các lệnh trừng phạt nêu trên.

Còn trường hợp Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng thực thi các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất, kèm theo sự việc kinh tế toàn cầu phục hồi do hậu quả của đại dịch COVID-19, một số nhà phân tích đã dự báo một kịch bản xấu với kinh tế Nga trong năm 2022 với GDP giảm 7-10%, lạm phát lên tới 14-16%, tỉ giá đồng rúp sẽ ở mức 110 – 110 rúp/USD, sức mua của người dân giảm sút mạnh.

Kéo theo đó, thương mại song phương giữa Nga với các nước trên thế giới nói chung và với Việt Nam nói riêng sẽ không tránh khỏi các tác động tiêu cực.

Riêng đối với Ukraine, kinh tế chắc chắn sẽ khó khăn hơn và cần nhiều thời gian hơn để phục hồi trở lại. Do đó kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ukraine cũng sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực.

Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về việc Bộ Công Thương sẽ phải làm gì để giảm thiểu tác động xấu và ổn định sản xuất và xuất khẩu?, vị lãnh đạo cho biết, đã có văn bản khuyến nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài trong thời gian tới.

Áp dụng các phương thức thanh toán an toàn hơn, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán, đặc biệt là trong bối cảnh cấm vận, trước khi giao kết hợp đồng.

Đối với các doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu với thị trường Nga và Ukraine, cần chủ động làm việc với các đối tác nhập khẩu về thanh toán, tiến độ giao hàng… để tránh rủi ro, đảm bảo quyền lợi.

Bộ chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ tại các nước Châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại Châu Âu.

Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường.

Minh Phú

Bài mới
Đọc nhiều