Bộ Công Thương khuyến cáo khẩn khi hơn 5.000 xe hàng bị tắc ở cửa khẩu
Hàng nghìn xe container chở nông sản ùn ứ tại cửa khẩu ở Lạng Sơn và Quảng Ninh khi phía Trung Quốc thắt chặt việc quản lý, kiểm soát dịch Covid-19. Bộ Công Thương khuyến cáo khẩn với các doanh nghiệp.
Hiện tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma (Lạng Sơn) còn tồn hơn 4.000 xe hàng hóa. Mặc dù cửa khẩu Chi Ma Ái Điểm đã nhiều ngày nay không diễn ra hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng lượng xe từ các tỉnh, thành vẫn tiếp tục đổ dồn về Lạng Sơn.
Hàng trăm xe container xuất khẩu vẫn nối đuôi nhau dọc tuyến quốc lộ 1A hướng lên cửa khẩu Hữu Nghị vào tối 13/12. Các bãi trung chuyển hàng hóa ở huyện Cao Lộc, bãi xe Bảo Nguyên và Xuân Cương hay khu phi thuế quan cửa khẩu Tân Thanh đều trong tình trạng không còn chỗ đỗ cho xe hàng.
Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh đang tồn hơn 2.400 xe hàng, chủ yếu là nông sản từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Tiền Giang và Bình Định.
Hiện tại mỗi ngày ở cửa khẩu Tân Thanh chỉ làm thủ tục xuất khẩu được cho hơn 100 xe container, giảm một nửa so với trước đó.
UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo lực lượng CSGT có phương án điều tiết, phân luồng xe tại quốc lộ 1A. Chỉ đạo các lực lượng chức năng như Biên phòng, Hải quan, kiểm dịch y tế tăng cường lực lượng, tạo mọi điều kiện trong công tác hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu.
Với tình hình thông quan như hiện nay, hơn 4.300 xe hàng đang ùn ứ phải mất 10-12 ngày nữa mới có thể giải tỏa, trong khi phần lớn là nông sản tươi khó bảo quản.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng thông báo tới UBND các tỉnh, TP trong cả nước tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp không tiếp tục ồ ạt di chuyển xe và hàng hóa đến cửa khẩu để giảm ùn tắc, tránh gây áp lực đến hạ tầng cơ sở tại các cửa khẩu.
Chính quyền tỉnh Lạng Sơn cũng tiếp tục triển khai hội đàm với lực lượng chức năng của Trung Quốc để bàn giải pháp đẩy mạnh thông quan hàng hóa trong thời gian tới, đồng thời, kiến nghị tới các Bộ, Ban ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ tình trạng này.
Cùng tình trạng trên như với số lượng ít hơn, phía Quảng Ninh đang ùn ứ hơn 1.000 xe container chở hàng chờ xuất khẩu.
Đại diện Chi cục Hải quan TP. Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, trong số hơn 1.000 xe container này phần lớn là hàng nông sản gồm: hơn 300 container hoa quả của Việt Nam, khoảng 100 container hoa quả Thái Lan và trên 700 container hàng thủy sản hàng cấp đông.
Số lượng container tồn đọng lớn, trong khi xe hàng từ các tỉnh thành phía Nam và một số từ các địa phương lân cận như Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai tiếp tục đổ về TP. Móng Cái khiến tình trạng ùn tắc càng kéo dài. Trong khi đó, năng lực tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ đáp ứng được khoảng 400 container/ngày.
Để xảy ra hiện tượng này nguyên nhân là do lực lượng kiểm soát hải quan về công tác phòng chống dịch của phía Trung Quốc hiện nay rất mỏng, không đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa.
Trước tình trạng đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản khuyến cáo khẩn đối với các DN xuất khẩu hàng nông sản qua các cửa khẩu.
Cụ thể, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do nhu cầu hàng hóa những tháng cuối năm và dịp lễ, Tết tại thị trường Trung Quốc tăng cao; phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu hàng nông sản ở địa phương khác nên lượng hàng hóa tập trung về các cửa khẩu Lạng Sơn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Lạng Sơn được khôi phục cũng tăng lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu, dẫn đến tình trạng ùn ứ.
Hiện lượng phương tiện xuất nhập khẩu thông quan qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn khoảng 825 xe/ngày. Trong đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị trung bình khoảng 450 xe/ngày (xuất khẩu 120 xe/ngày, nhập khẩu 330 xe/ngày); tại cửa khẩu Tân Thanh khoảng 300 xe/ngày (xuất khẩu 200 xe/ngày, nhập khẩu 100 xe/ngày); tại cửa khẩu Chi Ma khoảng 75 xe/ngày (xuất khẩu 40 xe/ngày, nhập khẩu 35 xe/ngày).
Tổng lượng xe tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tính đến sáng 13/12 là 4.304 xe (trong đó: cửa khẩu Hữu Nghị: 1.083 xe, cửa khẩu Chi Ma 747 xe, cửa khẩu Tân Thanh: 2474 xe).
Do đó, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương khuyến cáo các DN thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới. Đồng thời chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.
“Đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ 1/1/2022; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác liên quan”, Cục Xuất nhập khẩu nêu.
Thời gian tới, dịch Covid-19 được dự báo diễn biến tiếp tục phức tạp, khó lường; một số mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; vào dịp Lễ tết (Tết Nguyên đán) của ta và Trung Quốc là thời điểm cao điểm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, lưu lượng hàng hóa và phương tiện lên cửa khẩu sẽ tiếp tục còn tăng cao, áp lực đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là rất lớn.
Bằng Lăng