+
Aa
-
like
comment

Bộ Công Thương: Không muốn tăng giá xăng sớm vì sợ thiệt cho dân

15/02/2022 22:15

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã tính đến phương án tăng giá xăng sớm để giảm lỗ cho doanh nghiệp, nhưng lại lo thiệt cho người dân.

Chiều 15/2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ với báo chí quanh thực trạng đứt đoạn nguồn cung, khan hiếm hàng trên thị trường xăng dầu những ngày qua.

Bộ muốn điều hành sớm nhưng cần cân đối nhiều thứ

– Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng thực trạng nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, bán nhỏ giọt có nguyên nhân từ việc điều hành chậm, chưa linh hoạt và chủ động của Bộ Công Thương?

– Bộ đã làm hết sức, bám sát tình hình trong điều hành. Ngay khi nhận được báo cáo từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về chuyện họ giảm công suất, chúng tôi đã dự báo tình hình, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tạo nguồn thông qua nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt này, cũng như điều tiết cung cầu từ chỗ dư dả hàng tới nơi thiếu hụt.

Ngày 28/1, Bộ có văn bản gửi Chính phủ, phân tích rõ tình hình biến động thế giới, trong nước và kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép lựa chọn thời điểm thích hợp điều hành giá xăng dầu, nhằm giảm áp lực phần nào cho doanh nghiệp và bám sát giá thế giới…

Tuy nhiên, sau khi tính toán, cân nhắc các mục tiêu khác như cân đối ổn định vĩ mô, tránh tăng giá mặt hàng này dịp Tết, tạo áp lực lên lạm phát. Tính toán của cơ quan thống kê, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 1 tăng 1,94%, trong khi xăng dầu chiếm tỷ trọng cao trong rổ tính CPI. Vì thế, việc điều hành mặt hàng này phải tính toán tổng thể, hài hoà các yếu tố ổn định vĩ mô, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Điều hành sớm mà giảm giá thì không sao, còn tăng giá sẽ gặp phản ứng ngay và không có lợi cho người dân trong bối cảnh giá cả dịp Tết Nguyên đán tăng cao.

Nghị định 95 có điều khoản cho phép trong trường hợp biến động thị trường, giá ảnh hưởng tới kinh tế xã hội thì liên Bộ báo cáo Thủ tướng, cho phép điều hành sớm hơn, chứ không nhất thiết phải chờ tới đúng chu kỳ điều hành là 10 ngày. Là phương án được tính tới và quy định cho phép, nhưng trong điều hành, chúng tôi cũng tránh tạo tiền lệ sau này. Tức là doanh nghiệp tạo sức ép với cơ quan điều hành để có lợi cho mình.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ảnh: Anh Minh
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ảnh: Anh Minh

– Nhưng liệu việc bỏ qua kỳ điều hành ngày 1/2 (đúng vào mùng 1 Tết) khi giá thế giới tăng mạnh là lý do khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lỗ nặng dẫn tới hệ luỵ họ bán hàng cầm chừng hoặc ngưng bán như vừa qua?

– Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi chia sẻ với họ. Vì vừa rồi nguồn cung đứt gãy cục bộ do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất sản xuất. Một nhà máy lọc dầu chiếm 35% thị phần, giảm công suất xuống 55-60% thì thị trường thiếu hụt là đương nhiên.

Cũng phải thừa nhận việc trục trặc của Nhà máy Nghi Sơn không phải là việc nhỏ, đã làm ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu. Đó là nguyên nhân chính, khởi nguồn.

Các doanh nghiệp đầu mối lớn lập tức nhập khẩu thêm để bù đắp lượng thiếu hụt này. Việc đàm phán mua hàng cũng không dễ trong bối cảnh nguồn cung thế giới khan hiếm. Nếu không có quan hệ với nhà cung cấp uy tín, tài chính không tốt, việc đàm phán nhập hàng vừa rồi không dễ.

Nhưng giá thế giới tăng liên tục, với biên độ mạnh, nên khi họ vừa ký hợp đồng mua thêm, hàng chưa cập cảng đã lỗ. Giá nhập tăng cao, còn giá bán lẻ trong nước lại không tăng tương ứng do chịu sự điều hành của nhà nước.

Kỳ điều hành vừa rồi (ngày 11/2) giúp tình hình được cải thiện, song với biên độ tăng như vậy (gần 1.000 đồng mỗi lít xăng, dầu) cũng chưa hoàn toàn bù được hết phần lỗ của các doanh nghiệp. Dù vậy, chúng tôi mong doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với mục tiêu quản lý vĩ mô của nhà nước, lợi ích của 100 triệu dân.

Tuần trước, Bộ đã lập 3 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp, địa phương. Bộ trưởng Công Thương đã có công văn gửi các tỉnh, tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo quản lý thị trường địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu tại các địa phương. Trường hợp nếu qua kiểm tra, phát hiện họ có hành vi găm hàng chờ tăng giá sẽ bị xử lý nghiêm, để lành mạnh hoá thị trường.

Cũng phải nhìn nhận, việc găm hàng chờ tăng giá chỉ xảy ra ở một bộ phận doanh nghiệp, chứ không phải tất cả. Đa số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn làm tốt dự trữ, tuân thủ các điều kiện kinh doanh mặt hàng này.

– Ông vừa nói tình hình đã được cải thiện sau đợt tăng giá ngày 11/2, nhưng tại sao hôm nay tình trạng xăng bán nhỏ giọt, ngừng bán ở một số địa phương lại tái diễn?

– Phải khẳng định tình hình hiện nay có tốt hơn một tuần trước, dù chưa hoàn toàn khắc phục được thiếu hụt cục bộ tại một số thương nhân phân phối, đại lý xăng dầu.

Theo báo cáo của Chi nhánh phân phối sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn – PVNDB, tiến độ giao hàng trong tháng 2 ít hơn bình thường do nhà máy này vẫn đang vận hành với 55% công suất. Nguồn hàng của nhà máy lọc dầu này chưa bổ sung trở lại như trước khi giảm công suất.

Ngoài ra, xu hướng diễn biến giá dầu thế giới đang rất phức tạp trước biến động địa chính trị, căng thẳng Nga – Ukraine và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) vẫn giữ kế hoạch sản xuất 400.000 thùng một ngày… Hiện mỗi thùng dầu WTI đã vượt 94 USD, giá dầu Brent trên 96 USD mỗi thùng và nhiều dự báo giá dầu thô vượt 100 USD… Việc này tiếp tục ảnh hưởng tới xu hướng giá trong nước tới đây, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi “vừa nhập hàng về đã lỗ”.

Ngày 14/2, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầu mối, thương nhân phân phối cung cấp các số liệu liên quan tới lượng hàng mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước; lượng xăng dầu thực tế các đơn vị sản xuất trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay cũng như cập nhật kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường, kế hoạch nhập khẩu… Từ dữ liệu này, chúng tôi sẽ tính toán tổng nguồn, giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu để đảm bảo nguồn trong nước khi rơi vào kịch bản xấu nhất.

Bộ Công Thương khẳng định tổng nguồn sẽ đáp ứng đầy đủ cho tổng cầu nền kinh tế. Chúng tôi đã tính phương án để tự chủ hơn về nguồn cung, đề phòng phương án xấu nhất của Nghi Sơn không hoạt động bình thường.

Dư địa điều hành không còn nhiều

– Dư địa các công cụ điều hành tới đây sẽ ra sao khi đà tăng giá của thị trường thế giới chưa có điểm dừng và hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đầu mối đang âm lớn?

– Tính tổng thể, Quỹ bình ổn giá xăng dầu có đơn vị âm, có doanh nghiệp vẫn dương. Song quỹ này cũng có hạn, nên nếu tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, có thể đạt 100 USD một thùng, tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước sẽ phải dùng các công cụ khác như thuế, phí. Bởi nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hoá một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành.

Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép lựa chọn thời điểm thích hợp điều hành giá xăng dầu khi tình hình thị trường “căng” hơn.

– Ông nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng tỷ trọng thuế, phí trên mỗi lít xăng, dầu đang quá cao, 40 – 42%, là tác nhân khiến giá bán lẻ cao?

– Vấn đề này phải để Bộ Tài chính lên tiếng. Theo tôi biết, trong các báo cáo, Bộ Tài chính đưa ra dữ liệu so sánh với các nước và đánh giá là “vừa phải, phù hợp”.

– Cơ quan quản lý rút ra bài học kinh nghiệm gì trong điều hành thị trường xăng dầu vừa qua?

– Trong điều hành, chúng tôi đã bám sát diễn biến thị trường thế giới để phân tích cung – cầu thị trường trong nước và đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp đảm bảo nguồn cung.

Tôi cho rằng cần có cái nhìn, đánh giá công tâm, khách quan nhiều chiều. Nếu nhìn ở góc độ doanh nghiệp, họ sẽ cho rằng nhà điều hành chưa đưa ra phương án sát thực tế. Còn ở góc độ cân đối vĩ mô, bình ổn giá và hài hoà lợi ích các bên, chúng tôi đã bám sát các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Hoài Thu

Bài mới
Đọc nhiều