Bộ Công Thương dừng việc giới thiệu ông Phan Phạm Hà làm Tổng giám đốc VEAM
Bộ Công Thương quyết định dừng quy trình bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc VEAM đối với ông Phạm Thanh Hà do có một số ý kiến trái chiều về kinh nghiệm và năng lực quản lý.
Bộ Công Thương vừa yêu cầu tạm dừng quy trình bổ nhiệm Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) đối với ông Phạm Thanh Hà (sinh năm 1972) để xác minh một số thông tin. Ông Hà mới được bổ sung là thành viên nhóm đại diện vốn chủ sở hữu của Bộ Công Thương tại VEAM. Doanh nghiệp này có 90% cổ phần Nhà nước nắm giữ.
Nguyên nhân của việc tạm dừng quy trình bổ nhiệm là Bộ Công Thương nhận được văn bản của nhóm đại diện phần vốn Nhà nước tại VEAM đề nghị xem xét lại năng lực của ông Hà.
Trong văn bản này, nhóm này cho rằng ông Phạm Thanh Hà, vốn là Tổng giám đốc tại Công ty Cơ khí Hà Nội (HAMECO) nhưng có nhiều năm thua lỗ. Số doanh thu doanh thu năm 2017 và 2018 lần lượt chỉ đạt 230 tỷ đồng và 364 tỷ đồng, rất thấp so với vốn chủ sở hữu 645 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm này cũng cho rằng ông Thanh Hà chỉ có kinh nghiệm quản lý một đơn vị nhỏ là HAMECO, rất bé so với quy mô vốn của VEAM là trên 13.000 tỷ đồng.
Nhận được văn bản, Bộ Công Thương yêu cầu đại diện phần vốn Nhà nước tại VEAM chưa đưa nội dung giới thiệu giữ chức vụ tổng giám đốc đối với ông Phạm Thanh Hà. Bộ này cũng cho biết đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh nội dung văn bản mà bộ phận đại diện phần vốn Nhà nước tại VEAM gửi tới.
Nguồn tin của PV tại Bộ Công Thương đã cung cấp thêm một số thông tin xung quanh vụ việc.
Theo vị này, trước đây, ban lãnh đạo của VEAM có văn bản đề nghị Bộ Công Thương giới thiệu nhân sự giữ chức vụ tổng giám đốc hiện bỏ trống. Hiện tại, ông Ngô Văn Tuyển (thành viên HĐQT) đang giữ chức vụ Tổng giám đốc tạm thời. Ông Tuyển cùng Chủ tịch HĐQT là ông Bùi Quang Chuyện sẽ về hưu vào năm 2020. Trong khi đó, ông Tuyển từng có mong muốn nghỉ hưu trước ngày 1/1/2020 vì sức khỏe không đảm bảo.
Ban lãnh đạo VEAM còn mong muốn Bộ Công Thương giới thiệu cán bộ nguồn bên ngoài về. Sau đó, Bộ Công Thương đã họp ban cán sự Đảng nhiều lần để giới thiệu ông Phạm Thanh Hà, Tổng giám đốc HAMECO. Ông Hà là lãnh đạo 7X, có chuyên môn và kinh nghiệm thuộc lĩnh vực cơ khí – chế tạo máy, phù hợp với hoạt động của VEAM.
Vị này khẳng định việc giới thiệu lãnh đạo về VEAM hoàn toàn khách quan, công tâm, dựa trên lợi ích cao nhất phần vốn Nhà nước mà VEAM đang nắm giữ.
“Chúng tôi từng giới thiệu nhiều nhân sự về Sabeco, Habeco, Vinataba… và đều cho thấy phẩm chất, năng lực tốt. Do đó, việc giới thiệu cán bộ phải dựa trên lợi ích phần vốn Nhà nước. Quy trình rất chặt chẽ”, vị này chia sẻ.
Về kết quả kinh doanh của HAMECO, nơi ông Hà làm lãnh đạo, vị này cho biết đã nghiên cứu báo cáo tài chính có kiểm toán độc lập và cho thấy không lỗ. Việc kiểm toán thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
“Nếu cần xác minh lỗ hay lãi, Bộ Công Thương có thể sẽ lập đoàn thanh tra để thẩm định lại”, vị này chia sẻ.
Theo báo cáo tài chính, VEAM là một trong số doanh nghiệp có lãi nhiều nhất tại Bộ Công Thương, mỗi năm trên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lãi chủ yếu đến từ liên doanh với Honda và Toyota. Theo quyết định của Thủ tướng, Bộ Công Thương phải thoái 53,57% vốn tại VEAM và chỉ nắm giữ 36%.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, cho biết Nhà nước sẽ thoái vốn tại những ngành nghề không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân.
Hồi tháng 8/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã bắt hàng loạt nguyên lãnh đạo tổng giám đốc VEAM. Ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc VEAM và đồng phạm vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lớn.
Ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc VEAM; ông Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc VEAM và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH máy kéo nông nghiệp, bị bắt cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.