+
Aa
-
like
comment

Bộ Công an sát hạch, cấp bằng lái sẽ giảm tai nạn giao thông?

30/09/2020 09:17

Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông khẳng định nếu Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua, Bộ Công an cam kết chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về an toàn giao thông.

Bộ Công an sát hạch, cấp bằng lái sẽ giảm tai nạn giao thông? - Ảnh 1.
Học viên tập lái xe trước kỳ thi sát hạch tại Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi (TP.HCM) vào tháng 8-2020 – Ảnh: NGỌC HIỂN

Thông tin trên được đại tá Đỗ Thanh Bình – cục phó Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an – đưa ra tại buổi cung cấp thông tin về Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tổ chức chiều 29-9. Hiện luật này đang được Quốc hội xem xét.

Nhiều băn khoăn liên quan đến đề xuất Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) được đặt ra.

Đào tạo sát hạch viên theo chuẩn quốc tế

Theo Cục CSGT, sau 25 năm chuyển giao nhiệm vụ trên sang ngành GTVT, đã có nhiều đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến của các nước vào công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bao gồm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó việc đào tạo sát hạch, cấp, quản lý GPLX là một chính sách trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ được Chính phủ và các bộ Tư pháp, GTVT thống nhất.

Về những xáo trộn khi chuyển giao nhiệm vụ sang Bộ Công an, ông Bình cho biết đối với bộ máy của ngành GTVT hiện nay có hơn 1.600 sát hạch viên, trong đó gần 600 người là giáo viên tại các cơ sở đào tạo được cấp thẻ (không trong biên chế nhà nước), 650 cán bộ công chức chuyên trách làm công tác quản lý tại 64 đầu mối… Như vậy, về biên chế chỉ sắp xếp liên quan 650 cán bộ, công chức thuộc biên chế nhà nước, việc bố trí lại nhiệm vụ sẽ không gặp khó khăn.

Bộ Công an hiện có bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp gồm 780 đầu mối nên chỉ thêm nhiệm vụ, chứ không tăng biên chế. Do đó bộ hoàn toàn đủ điều kiện tiếp nhận công việc chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành GTVT.

“Cán bộ chiến sĩ làm công tác quản lý đào tạo phải là những người có kinh nghiệm thực tế về đảm bảo TTATGT, nhất là số làm nhiệm vụ sát hạch viên sẽ được đào tạo tập huấn nghiệp vụ đảm bảo tiêu chuẩn như một số quốc gia tiên tiến.

Sau chuyển giao, Bộ Công an sẽ quản lý chặt chẽ từ đào tạo, sát hạch, quá trình tham gia giao thông của người lái xe theo hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông trong các lĩnh vực qua căn cước công dân, cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý vi phạm pháp luật hành chính, hình sự… đảm bảo thường xuyên, liên tục, hiệu quả” – ông Bình thông tin.

Có “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

Nhiều chuyên gia về giao thông đặt vấn đề nếu để Bộ Công an – một đơn vị vừa cấp bằng lái vừa quản lý, giám sát lại thêm xử phạt thì có khách quan hay không, đại tá Bình cho rằng xử lý vi phạm giao thông đều qua hình ảnh và sự giám sát của nhân dân nên không có chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bởi việc xử phạt sẽ được công bố công khai và tới đây được lưu giữ bằng dữ liệu điện tử để việc xử lý được thuyết phục hơn.

Theo ông Bình, thực tế hiện nay cho thấy công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp GPLX bộc lộ nhiều sơ hở, bất cập, lỏng lẻo. Tình hình TTATGT hiện nay rất bức xúc cho toàn xã hội.

“Vì vậy phải có sự thay đổi cơ quan quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, lập lại trật tự kỷ cương nề nếp của hoạt động giao thông” – lãnh đạo Cục CSGT phân tích.

THÂN HOÀNG/TT

Bài mới
Đọc nhiều