+
Aa
-
like
comment

Bộ Công an phát hiện gần 790.000 tin, bài, video xấu độc trong 6 tháng

29/10/2020 15:01

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng Bộ Công an phát hiện gần 790.000 tin, bài viết, video có nội dung xấu độc, sai sự thật, nhất là “cơn bão tin giả” liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19. 

Giải trình trước Quốc hội cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ví von internet như hệ tuần hoàn, nhiệm vụ của Bộ này là phải giữ cho nó thông suốt /// Ảnh Quang Hoàng
Giải trình trước Quốc hội cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ví von internet như hệ tuần hoàn, nhiệm vụ của Bộ này là phải giữ cho nó thông suốt

Đang chờ Nghị định hướng dẫn chi tiết luật An ninh mạng

Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri cho rằng, trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ thông tin có chiều hướng gia tăng, như đưa thông tin giả, sai sự thật, xuyên tạc về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Cử tri đề nghị các ngành chức năng có các chế tài xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, có giải pháp đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

“Trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng Bộ Công an phát hiện gần 790.000 tin, bài viết, video có nội dung xấu độc, sai sự thật, nhất là “cơn bão tin giả” liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19; đã xác minh, đấu tranh với gần 1.500 đối tượng; khởi tố 17 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính gần 470 đối tượng có có hành vi tung tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội”, báo cáo nêu.

Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm minh, nhằm răn đe đối với các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật An ninh mạng; đang chờ Chính phủ xem xét ban hành.

Bộ Công an cho biết, tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới, Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng áp dụng các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra trên không gian mạng.

Đồng thời, Bộ Công an cũng sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai các giải pháp tập trung phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh đối với các loại tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Cử tri bất bình trước hành vi của một số cán bộ công an tiếp tay cho tội phạm
Cũng liên quan đến nội dung này, cử tri Hòa Bình cho rằng, công tác bảo đảm an ninh mạng, quản lý công nghệ thông tin còn bộc lộ hạn chế, sơ hở để tội phạm công nghệ cao lợi dụng, thể hiện rõ nhất là vụ đánh bạc qua mạng internet, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều địa phương, thu giữ hàng nghìn tỉ đồng.

Nhiều ý kiến cũng bất bình trước hành vi của một số cán bộ công an, kể cả cán bộ cấp cao thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tội phạm, và đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TT-TT, Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hơn công tác quản lý thông tin, bảo đảm an ninh mạng, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng này.

Theo Bộ Công an, thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm xảy ra trên không gian mạng, đặc biệt đã triệt phá nhiều đường dây tổ chức đánh mạng trên mạng internet với quy mô lớn, hoạt động có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, có sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài và phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với tổng số tiền cược lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.

Theo Bộ Công an, tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là Bộ TT-TT, trong việc triển khai các giải pháp quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin và truyền thông; tổ chức rà soát, chủ động yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và internet có biện pháp ngăn chặn, xử lý, bóc gỡ các thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

“Bộ TT-TT nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phải thiết lập chủ quyền số trên không gian mạng”

Cử tri Bắc Ninh phản ánh, hiện nay, trên các trang mạng xã hội vẫn còn những thông tin sai lệch, tuyên truyền chia rẽ đoàn kết dân tộc, mượn danh người thân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Cử tri đề nghị Bộ TT-TT, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan sớm có giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, làm thất bại các âm mưu của các thế lực thù địch chống phá nhà nước.

Trả lời ý kiến này, Bộ TT-TT cho biết, “quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ, Bộ TT-TT nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phải thiết lập chủ quyền số trên không gian mạng, để có thể quản lý tốt hơn các thông tin phát tán trên các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam, tránh bỏ ngỏ môi trường này để các thế lực thù địch lợi dụng, gây bất ổn cho xã hội”.

Bộ TT-TT khẳng định đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, triển khai, kết hợp nhiều giải pháp nhằm đấu tranh quyết liệt với các nền tảng xuyên biên giới.

Bài mới
Đọc nhiều