+
Aa
-
like
comment

Bộ Công an nhận trọng trách “không ai dám nhận”

Như Yên - 19/11/2020 17:01

Cả xóm tôi lại được một phen hú vía, một thanh niên nghiện nặng ra vào trại cai nghiện như cơm bữa, mấy ngày trước lại bỏ trốn về xóm thì nay đã bị “bế đi” lần nữa. Có vẻ như việc quản lý học viên của các trại cai nghiện vẫn còn khá lỏng lẻo vì thanh niên này đã trốn về hơn 3 tuần mới có người “ghé thăm”. Lại làm tôi nhớ đến lời khẳng định của Bộ trưởng Tô Lâm “Nếu luật cho phép, chúng tôi rất sẵn sàng quản lý các trại cai nghiện. Đây là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm. Nếu thấy hiệu quả, Bộ Công an không ngại quản lý vấn đề này”.

Được biết, việc quản lý trại cai nghiện từ trước đến nay là do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, các cơ sở (trại cai nghiện) đều hoạt động không hiệu quả, không đạt được mục tiêu đề ra ban đầu là giúp những người nghiện ma túy cai nghiện hoàn toàn và tái hòa nhập cộng đồng.

Đầu tiên, phải nói đến về chất lượng cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị y tế cần thiết tại các cơ sở (trại cai nghiện) chưa đáp ứng được các yêu cầu cần thiết để khám và chữa trị, vì mỗi bệnh nhân sẽ có mức độ nghiện khác nhau nên cần có phác đồ điều trị riêng biệt. Hiện tại, không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất và cả đội ngũ y bác sĩ điều trị cũng rất “khiêm tốn”.

Thứ hai, nói thêm về cơ sở hạ tầng và việc quản lý trại cai nghiện vẫn còn rất lỏng lẻo, tường thành chưa đủ kiên cố cũng như số lượng người canh gác quá ít. Tình trạng vượt tường, phá tường trốn trại thường xuyên xảy ra, mới đây nhất là vụ trại cai nghiện ở Tiền Giang, hàng trăm học viên trốn khỏi trại cai nghiện. Không chỉ lấy cắp xe máy của người dân bỏ đi mà còn đập phá đồ đạc gây mất trật tự nghiêm trọng. Tuy cả nước có rất nhiều sự việc trốn trại cai nghiện nhưng tại Tiền Giang lại xảy ra đến 2 lần và số lượng học viên bỏ trốn ngày càng đông. Điều này cho thấy công tác quản lý của các trại cai nghiện vẫn còn chưa nghiêm ngặt nhưng lại không có dấu hiệu thay đổi để hoàn thiện hơn.

Hơn nữa, điều mà tôi và các bạn điều quan tâm chính là việc cai nghiện này có thực sự mang lại hiệu quả hay không khi số lượng học viên sau thời gian cai nghiện lại tái nghiện gần như 70%. Pháp luật hiện hành chỉ xem việc nghiện ma túy là một căn bệnh và lại chưa có quy định xử phạt cụ thể. Lấy ví dụ đơn giản, nếu một người nghiện ma túy thực hiện hành vi trộm cắp vặt (những món đồ giá trị thấp) thì chỉ bị đưa vào trại cai nghiện và khi được chẩn đoán khỏe mạnh được tái hòa nhập cộng đồng thì lại tái nghiện và tiếp tục hành vi phạm tội. Điều đáng nói, người nghiện khi đã quá “vã” thì việc gì cũng có thể làm từ cướp của, giết người để có tiền phê thuốc. Cơ bản “con nghiện” dù có phạm tội thì cũng sẽ được đưa vào trại cai nghiện nên chúng hầu như không sợ hay cảm thấy hối lỗi gì cả, bằng chứng là việc 2 kẻ nghiện đã nhẫn tâm sát hại một nữ sinh ngân hàng chỉ để cướp xe đạp điện và chiếc điện thoại giá trị chỉ vài triệu đồng. Vậy hoạt động của các cơ sở cai nghiện có thực sự mang lại hiệu quả?

Tôi nghĩ các cơ quan có thẩm quyền không chỉ riêng việc quản lý người cai nghiện trong thời gian tại cơ sở mà cần phải quan tâm đặc biệt hơn sau khi học viên đã tái hòa nhập cộng đồng. Ví dụ như cậu thanh niên trong xóm tôi, mặc dù đã đưa đi cai nghiện nhiều lần nhưng vẫn trốn về và lại tiếp tục hút chích, trộm cắp. Mỗi khi hay tin “con nghiện” trở về cả xóm lại lao đao, tài sản dù không quý giá cũng phải mang cất giấu, con em đi học về tối lại càng lo lắng hơn. Đến khi hắn bị tóm đi thì lại lo lắng không biết khi nào còn nghiện đó lại quay về. Đây có thể không chỉ là nỗi lo của xóm tôi mà là vấn đề mà toàn xã hội đang quan tâm và cần sớm đưa ra giải pháp mang lại bình yên cho xóm làng.

Bộ trưởng Bộ Công an – Tô Lâm

Ở đây, tôi không tâng bốc Bộ Công an nhưng khi nhìn vào thực tế vấn đề mà các trại cai nghiện trên cả nước đang gặp phải thì tôi cảm thấy đề xuất để Bộ Công an quản lý là rất hợp lý. Không chỉ trong thời gian cai nghiện tại các cơ sở mà sau khi trở về địa phương cũng rất cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan công an sở tại. Thông tin sẽ được thống nhất và quản lý duy nhất của Bộ công an, con nghiện một khi bỏ trốn thì công an địa phương cũng dễ dàng nắm được thông tin để vận động trở về cai nghiện. Học viên sau khi hết thời gian cai nghiện tại trại cũng chưa chắc đã cai nghiện hoàn toàn và tu chí làm ăn nên việc có cơ quan công an tại địa phương quan tâm, tạo điều kiện sẽ giúp người nghiện sớm tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống. Theo tôi được biết, đa số những người tái nghiện đều là do nản chí vì tuổi trẻ lầm đường lạc lối bị bạn bè rủ rê hút chích nhưng sau khi vào trại cai nghiện ra thì lại bị mọi người xa lánh. Không phải họ không muốn thay đổi, làm ăn chân chính nhưng khi mang danh “con nghiện” rất khó xin được việc làm lại bắt đầu chán nản và quay trở lại con đường nghiện ngập. Vì thế, việc tạo điều kiện để họ có thể hòa nhập lại cuộc sống, tu chí làm ăn là rất cần thiết. Có như thế thì trại cai nghiện mới thực sự hoạt động hiệu quả, để mỗi học viên sau thời gian lầm lỡ đều có cơ hội trở lại làm công dân tốt chứ không phải cứ cai nghiện rồi tái nghiện như tình trạng hiện tại.

Tôi tin rằng, Bộ công an sẽ làm tốt trọng trách này bằng cách rà soát và kiểm tra từ địa phương đến từng cơ sở (trại cai nghiện) và nắm được tình hình của tất cả học viên. Thêm nữa, bằng các biện pháp nghiệp vụ của ngành công an thì con nghiện sẽ ngoan ngoãn, nghiêm túc chấp hành thời gian cai nghiện. Hiện tại, vì việc quản lý chưa thực sự hiệu quả nên tình trạng con nghiện vào trại tiếp tục  hành vi mua bán và sử dụng ma túy thường xuyên diễn ra, thậm chí có trường hợp sốc thuốc tại trại cai nghiện. Việc Bộ Công an quản lý sẽ trực tiếp xử phạt các hành vi như thế này xác định rõ và phân loại từng loại đối tượng có ý chí làm lại cuộc đời hay chỉ lợi dụng việc vào trại cai nghiện để trục lợi. Từ đó mà đưa ra được hình thức quản giáo riêng không để “con sâu làm sầu nồi canh”.

Hơn nữa, việc quản lý trại cai nghiện và học viên cũng không phải là công việc dễ dàng gì và chưa chắc ai đã dám tình nguyện đứng ra lãnh trọng trách. Việc Bộ Công an khẳng định sẽ không ngại nhận sứ mệnh này nếu được Pháp luật cho phép tuy nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ song cũng có không ít kẻ cho rằng Bộ đang lạm quyền. Theo tôi, tình trạng trại cai nghiện xuống cấp, quản lý lỏng lẻo đã kéo dài nhiều năm nay, một cơ quan quản lý không hiệu quả vậy tại sao lại không thử chuyển giao sang một cơ quan khác có thể làm tốt hơn? Con nghiện từ lâu đã trở thành gánh nặng của toàn xã hội và nay được Bộ Công an san sẻ gánh nặng này, tôi tin rằng việc quản lý được đồng nhất từ trong ra ngoài sẽ giúp người nghiện nhanh chóng cai thuốc thành công. Vì vậy, thay gì phán xét thì hãy nhìn vào hành động và những kết quả đạt được trong tương lai.

Như Yên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều