+
Aa
-
like
comment

Bộ Công an mạnh tay bỏ sổ hộ khẩu dù chưa có 3000 tỷ đồng

Đặng Trường - 17/06/2020 22:14

2.705 thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin cá nhân của công dân, 1273 thủ tục hành chính yêu cầu thông tin về bản sao có chứng thực giấy tờ của công dân. Đó là một trong những lý do khiến Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cam kết trước nghị trường Quốc hội: “Chúng tôi sẽ hoàn thành việc cấp căn cước công dân trong một năm nữa, trước khi Luật có hiệu lực”.

Lời cam kết mạnh mẽ của Bộ trưởng Tô Lâm: “Chúng tôi sẽ hoàn thành việc cấp căn cước công dân trong một năm nữa, trước khi Luật có hiệu lực”.

Trước đó, Bộ Công an đã đề xuất bỏ hộ khẩu giấy trong dự thảo sửa đổi Luật Cư trú thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân và tổ chức lấy ý kiến góp ý. Tại phiên họp Quốc hội ngày 16/6, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng: Việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã bị chậm thời gian so với Luật Căn cước công dân năm 2014, hơn nữa đất nước vừa tập trung khắc phục dịch bệnh, phục hồi kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác thì việc bố trí đủ 3.000 tỷ đồng cho Bộ Công an theo đề án là rất khó khăn.  Bà Trần Thị Dung nhấn mạnh: “Việc dự kiến áp dụng Luật Cư trú với phương thức quản lý mới, dựa trên nền tảng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021 như tờ trình của Chính phủ là khó có thể thực hiện”.

Tuy nhiên, hãy nghĩ đến cái hộ khẩu giấy đã “hành”người dân mình khổ sở như thế nào để có động lực đẩy nhanh hình thức quản lý theo số định danh cá nhân. Nào là chuyện người nghèo tha phương lên thành phố làm thuê, làm mướn; rồi những gia đình 3-4 thế hệ, tận mười mấy người nhưng chung nhau một cái hộ khẩu; con cái đi học, đi làm ở thành phố, mỗi lần cần việc gì cũng lót tót chạy về nhà lấy sổ hộ khẩu rồi mang về trả. Hay như việc mỗi gia đình có nhu cầu vay tiền ngân hàng thôi cũng phải có giấy ủy quyền, đầy đủ chữ ký của tất cả thành viên trên 18 tuổi có trong sổ hộ khẩu; con cái, bố hoặc mẹ đi làm xa tít cũng phải bỏ việc chạy về nhà ký tá. Cái sổ hộ khẩu bé tí nhưng như cái còng trên cổ người dân. Cứ như vậy mãi thì làm sao phát triển được?

Sổ hộ khẩu bé tí nhưng lại khiến người dân gặp khá nhiều phiền phức trong cuộc sống.

Thế nên, bỏ sổ hộ khẩu càng sớm thì người dân sẽ bớt đi rất nhiều thủ tục hành chính, chưa kể mỗi lần đi làm thủ tục hành chính chúng ta phải mang theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận các loại… Còn với hình thức quản lý bằng số định danh thì các thông tin cá nhân của công dân đã có sẵn trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, cần cái có ngay. Như đã nói ở trên, hiện nay có 2.705 thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin cá nhân của công dân, 1273 thủ tục hành chính yêu cầu có thông tin về bản sao có chứng thực giấy tờ của công dân. Nếu bỏ sổ hộ khẩu thay vào số định danh cá nhân thì người dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu hay chứng minh nữa.

Khi kho dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành, kết nối liên thông với các lĩnh vực xã hội khác như bảo hiểm, ngân hàng, y tế, giáo dục, hàng không thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí hành chính, thủ tục cho người dân. Tính ra con số 3000 tỷ bỏ ra ban đầu để xây dựng cơ sở dữ liệu có khi còn ít hơn cả chi phí hành chính, thủ tục, đi lại lênh kênh mà cái lợi thu lại rất nhiều. Vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vừa tiết kiệm thời gian, thủ tục hành chính, tăng tính công khai minh bạch, tiết kiệm được cả công sức của người dân lẫn công chức, viên chức. Và quan trọng nhất là tiết kiệm được ngân sách từ tiền thuế của người dân mà ra.

Một số thông tin trên thẻ căn cước cá nhân.

Đồng ý, bất kỳ một cuộc cải cách, một sự thay đổi nào cũng gặp khó khăn, huống hồ ở đây phải chuyển đổi, cấp mới mã số định danh, xây dựng cơ sở dữ liệu cho hơn 90 triệu người dân. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn thấy cái khó khăn mà e ngại, chùn bước, không làm thì đến bao giờ Việt Nam mới có hệ thống cơ sở dữ liệu công dân được quản lý theo hướng điện tử hóa, phù hợp chủ trương Chính phủ điện tử, quản lý nhà nước thời đại 4.0. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới, người ta đã dùng số định danh cá nhân, thẻ căn cước từ lâu lắm rồi. Ngay cả một nước gần như nghèo nhất Châu Âu nhưng người ta còn làm được thẻ căn cước định danh cá nhân, thậm chí người nước ngoài đến quốc gia họ cũng được cấp thẻ căn cước với đầy đủ thông tin ngày tháng năm sinh, họ tên, nơi ở, đặc điểm nhận dạng, nhóm máu thì tại sao Việt Nam không làm được. Sổ hộ khẩu từng quý như sổ gạo ngày xưa và quyết định bỏ sổ hộ khẩu giấy không khác gì bỏ sổ gạo thời bao cấp. Thế nên, khi Bộ trưởng Tô Lâm cam kết hoàn thành việc cấp căn cước công dân trước khi Luật có hiệu lực cho dù chưa có được cấp ngân sách đủ thấy quyết tâm cắt bỏ cái cũ kỹ, lạc hậu của tư lệnh ngành Công an là rất lớn.

Dù rằng hiện nay, Bộ Công an chỉ mới cấp được khoảng 18 triệu mã số định danh và căn cước công dân trên tổng dân số hơn 90 triệu dân. Nhưng điều đáng nói là, Bộ cũng đã thu thập và đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu khoảng 80 triệu công dân. Việc này được đẩy nhanh tốc độ so với 4 năm trước (chỉ có 16 triệu) nhờ lực lượng công an chính quy được đưa về các xã. 99% các xã đã hoàn thành thu thập dữ liệu công dân, kiểm tra độ chính xác và đưa vào máy. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Công an về việc tiến tới xoá bỏ sổ hộ khẩu trong những năm qua. Mục đích không có gì khác ngoài việc góp phần làm giảm đi phiền phức của công dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến hộ khẩu.

Việc một số ĐBQH còn băn khoăn về số tiền 3.000 tỷ phải chi để đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Băn khoăn này như đã trình bày là có cơ sở nhưng việc loại bỏ sổ hộ khẩu là việc cần và nên làm ngay để góp phần khai thông công tác quản lý hành chính, xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế hơn nữa. Trên thực tế, vấn đề bỏ sổ hộ khẩu cũng đã được đông đảo người dân ủng hộ. Một tài khoản mang tên Trương Tấn Mai cho rằng: “Nên áp dụng ngay thẻ Căn cước công dân vào các thủ tục giấy tờ. Phải thay đổi từ bây giờ để hội nhập công nghệ 4.0 cũng như giải quyết nhanh lẹ, giản đơn cho nhân dân!”; Còn bạn Khuất Tuấn Sơn bày tỏ: “Tôi mong chờ điều đó, tôi chờ mong vào Bộ trưởng. Bởi tôi là người thay đổi nơi cư trú theo năm nên quá khổ về việc này. Hãy phục vụ nhân dân!”; Quan điểm của bạn Phạm Ngọc Hiếu cũng thẳng thắn cho rằng: “Tuy hơi chậm trễ so với thời đại nhưng có còn hơn không. Cần thay đổi sớm nếu muốn bắt kịp sự thay đổi. Nếu chậm trễ sẽ gây hậu quả khôn lường”. Chính vì vậy, lời cam kết mạnh mẽ, đầy tự tin của Bộ trưởng Tô Lâm, nỗ lực của Bộ Công an trong việc phục vụ nhân dân là hợp tình hợp lý. 3.000 tỷ tuy lớn nhưng rất cần thiết cho công tác mang ý nghĩa đổi mới, tạo bước ngoặt lớn này.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều