+
Aa
-
like
comment

Bộ Công an lý giải về những rắc rối khi chuyển đổi CMND sang Căn cước công dân

27/01/2020 09:27

Người dân đến làm thẻ CCCD, CMND chỉ cần xuất trình sổ hộ khẩu, còn trường hợp giấy khai sinh dành cho những trường hợp đi làm đầu tiên hoặc dùng để đính chính những cái sai như cấp sổ hộ khẩu có tên đệm, không đúng như giấy khai sinh…

Trước những ý kiến của người dân đề nghị Bộ Công an in luôn số Chứng minh nhân dân (CMND) cũ lên thẻ Căn cước công dân (CCCD) cấp mới để tránh những phiền hà trong các giao dịch dân sự, PV đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phùng Đức Thắng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về Trật tự xã hội (TTXH) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Người dân đến làm căn cước.

PV: Khi người dân đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD, CMND thì phải xuất trình những loại giấy tờ giấy tờ nào? Nếu người dân không có giấy khai sinh thì làm thẻ căn cước có ảnh hưởng gì không, thưa Đại tá?

Đại tá Phùng Đức Thắng: Hiện nay, người dân đến làm thẻ CCCD, CMND chỉ cần xuất trình sổ hộ khẩu, còn trường hợp giấy khai sinh dành cho những trường hợp đi làm đầu tiên hoặc dùng để đính chính những cái sai như cấp sổ hộ khẩu có tên đệm, không đúng như giấy khai sinh nhưng không sửa mà đi cấp CCCD, CMND lại sai theo sổ hộ khẩu. Khi đến, người ta lại cấp theo sổ hộ khẩu, đính chính theo giấy khai sinh. Giấy khai sinh là hộ tịch gốc mang lên để các cơ quan làm căn cứ điều chỉnh những cái sai trong sổ hộ khẩu.

PV: Hình thức công dân kê khai thông tin CCCD trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến có những ưu điểm, hạn chế gì như thế nào?

Đại tá Phùng Đức Thắng: Hình thức này, chủ yếu là ưu điểm, bởi dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 giúp người dân lấy dấu vân tay và chụp ảnh để làm CCCD, người dân kê khai thủ tục nhanh gọn hơn.

Giờ chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu có thì người tiếp nhận thông tin sẽ đối chiếu và thực hiện cấp thì người dân không cần mang giấy tờ gì. Còn giai đoạn chưa có thì công dân vẫn mang sổ hộ khẩu để đối chiếu với thông tin kê khai để tránh nhầm lẫn.

Đại tá Phùng Đức Thắng.

Thủ tục nhanh, người dân không phải mất thời gian chờ đợi lâu. Chỉ bất tiện là việc người dân cần phải hiểu và biết thực hiện thao tác công nghệ thông tin trên máy tính.

PV: Bộ Công an có quy định việc cấp Giấy xác nhận số CMND khi công dân chuyển dùng từ giấy CMND sang thẻ CCCD, người dân cho rằng có nhiều vướng mắc khi chuyển đổi CMND 9 số sang CMND 12 số và sau đó là thẻ CCCD được triển khai trong thời gian dài. Khi chuyển đổi 3 loại giấy tờ tùy thân này, người dân gặp nhiều khó khăn, đại tá có thể lý giải về vấn đề này?

Đại tá Phùng Đức Thắng: Đây là nguyện vọng của người dân chứ không có vướng mắc gì, nguyện vọng của cơ quan quản lý, cơ quan hành chính công thực hiện xác nhận việc cấp giấy cho công dân.

Việc cấp giấy này thực hiện từ cuối năm 2012 thí điểm, đến ngày 22/1/2014 là Bộ Công an ban hành thông tư 05 quy định về việc cấp CMND 12 số, lúc đó chưa thành căn cước, trong đó có quy định về mẫu số xác nhận giấy CMND để cơ quan thực hiện công tác quản lý cấp cho công dân xác định số CMND cũ 9 số với số CMND mới 12 số là một người, để công dân thực hiện các giao dịch liên quan như nhà đất, ngân hàng…

Năm 2016, khi bắt đầu cấp CCCD thì vẫn triển khai thực hiện cấp giấy xác nhận cho công dân. Đến năm 2017, nhận thấy nhu cầu sử dụng giấy này của công dân là rất nhiều, Bộ Công an có quy định bất cứ công dân nào cấp đổi CMND 9 số sang CCCD đều được cấp giấy xác nhận số CMND cũ, để công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính công.

Cho đến nay, công tác này cơ bản thực hiện tốt. Từ tháng 1/2014, sau khi toàn quốc triển khai thực hiện cấp CMND 12 và sau này là CCCD thì đến nay phục vụ được cho tất cả các yêu cầu của người dân khi đi giao dịch, đảm bảo không bị ảnh hưởng đến quyền lợi.

PV: Có ý kiến cho rằng, phương án đơn giản là in số CMND cũ vào thẻ CCCD để thuận tiện trong giao dịch, giảm bớt thủ tục cho người dân, ông có ý kiến gì về phương án này, thưa ông?

Đại tá Phùng Đức Thắng: Vấn đề này được đặt ra ngay từ ban đầu khi triển khai cấp CMND 12 số. Lúc đó rất nhiều các cơ quan quản lý của Nhà nước cũng như các cơ quan báo chí đặt vấn đề với Bộ Công an về vấn đề này.

Đối với việc in luôn số CMND cũ lên thẻ CCCD thì đề nghị này từng được đặt ra ngay từ khi triển khai cấp CMND 12 số chứ không phải đến khi cấp thẻ CCCD, tuy nhiên không thể triển khai được.

Do đối với quy định cũ trước đây về cấp CMND 9 số, khi công dân chuyển nơi đăng ký thường trú sang một tỉnh/thành khác thì công dân phải đổi CMND và khi đổi CMND thì số CMND của công dân sẽ phải thay đổi. Như vậy, một công dân không phải chỉ có 1 số CMND 9 số mà có thể có rất nhiều số CMND 9 số do đổi nơi đăng ký thường trú ở nhiều tỉnh/thành khác nhau.

Phương án in số CMND cũ vào CCCD mới là không khả thi bởi vì không thể in nhiều số CMND cũ lên thẻ căn cước mới, chưa kể kích thước của căn cước nhỏ như vậy, các dòng thông tin ở trên căn cước nếu có in phải in cả số CMND, ngày cấp, nơi cấp, thì sẽ không đủ chỗ. Chỉ có giấy xác nhận là có thể đáp ứng tất cả những nhu cầu của công dân cũng như các cơ quan hành chính công.

Bộ Công an đã có quy định nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân khi cấp giấy xác nhận số CMND cũ. Công dân chỉ cần làm đề nghị tại nơi cấp thẻ CCCD, cơ quan cấp thẻ CCCD sẽ có trách nhiệm gửi yêu cầu xác minh về nơi cấp CMND cũ. Việc này hạn chế tình trạng người dân phải chạy đi chạy lại nhiều lần.

PV: Hiện nay, quy định xử phạt dùng CCCD, CMND không đúng cách sẽ bị xử lý như nào? Trên cả nước đã có bao nhiêu tỉnh có đủ điều kiện để cấp CCCD, thưa Đại tá?

Đại tá Phùng Đức Thắng: Công dân làm giả hồ sơ, sử dụng CCCD, CMND vào hành vi trái pháp luật thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, trên cả nước đã có 16 tỉnh đang cấp CCCD và 47 tỉnh đang cấp CMND.

Trong thời điểm hiện tại, Bộ Công an đang tham mưu Chính phủ và cố gắng triển khai mở rộng phát triển mô hình dùng CCCD ở các tỉnh còn lại, vì liên quan đến kinh phí, phê duyệt dự án của các cấp có thẩm quyền.

Sau này, nếu xây dựng thành công kho cơ sở dữ liệu quốc gia chung thì sử dụng số định danh, chính là số thẻ căn cước sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!

Tiến Anh/IFN

Bài mới
Đọc nhiều