+
Aa
-
like
comment

Bộ Công an đề xuất CSCĐ mang vũ khí để ngăn chặn khủng bố trên máy bay

21/10/2021 20:53

Dự thảo Luật cảnh sát cơ động đề xuất, cảnh sát cơ động được mang vũ khí theo người vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin.

Diễn tập phương án chống khủng bố bắt giữ con tin

Chiều 21/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nội dung cơ bản của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của chính sách được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Đồng thời, kế thừa các quy định còn phù hợp của pháp lệnh cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của cảnh sát cơ động.

Tại Điều 10 của dự thảo Luật quy định 7 quyền hạn của cảnh sát cơ động, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Bộ Công an đề xuất cho cảnh sát cơ động mang vũ khí lên máy bay ngăn khủng bố - 1
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

1. Cảnh sát cơ động được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp:

– Chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí.

– Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

– Trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

2. Cảnh sát cơ động được ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động.

Đối với những quyền hạn còn lại, luật điều chỉnh, bổ sung một số vấn đề, trong đó có bổ sung quy định về tuyển chọn công dân vào cảnh sát cơ động và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động của từng lực lượng thuộc cảnh sát cơ động.

Thẩm tra luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, ông Lê Tấn Tới cho biết việc xây dựng Luật cảnh sát cơ động là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ.

Về quyền hạn của cảnh sát cơ động, ông Tới cho biết đa số ý kiến của ủy ban nhất trí với dự thảo, song một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp được “ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái”, đồng thời rà soát, đối chiếu với quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thịnh Trần

Bài mới
Đọc nhiều