Bộ Chính trị vừa ra quyết định, chấm dứt giai đoạn “gia đình trị”
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Tại quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nêu rõ: Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Uỷ ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thời gian gần đây, ở một số địa phương, bộ, ngành phát hiện tình trạng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan” gây bức xúc trong dư luận.
Cụ thể như trường hợp bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang (vợ ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang) thiếu trình độ ngoại ngữ B. Tại Hà Giang, dư luận cũng từng lên tiếng việc gia đình ông Vinh có nhiều người thân ruột thịt làm lãnh đạo ở các cơ quan trên địa bàn.
Hay trường hợp Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý (em trai Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà) chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính.
Bà Lê Thị Thêm (vợ Bí thư Huyện ủy A Lưới, tỉnh TT – Huế), Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện thiếu chứng chỉ ngoại ngữ. Ngoài trường hợp bà Thêm còn có ông Hồ Thanh Hà, Phó trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện (em vợ Bí thư Huyện ủy) không thực hiện trình tự, thủ tục tuyển dụng theo quy định. Thời điểm bổ nhiệm ông Hà không có bằng lý luận chính trị, không đủ thời gian giữ ngạch chuyên viên 3 năm trở lên và không có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.
Năm 2016, dư luận bất bình khi biết xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An) có 12 người là anh em ruột, họ hàng với Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã được bố trí giữ các chức danh quan trọng trong đảng, chính quyền và đoàn thể.
Cụ thể, Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn là em rể của Bí thư Đảng ủy xã này; Phó Chủ tịch UBND xã là em con dì, Phó Chủ tịch HĐND là chú ruột của Chủ tịch xã; Trưởng công an xã là anh ruột, Chủ tịch Hội Nông dân là cháu ruột, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ là em ruột, cán bộ tư pháp là cháu rể, Chủ tịch Hội Phụ nữ là cháu của Bí thư Đảng ủy xã; Xã đội trưởng là em ruột của Phó Chủ tịch UBND xã…
Cùng với Hạ Sơn của Quỳ Hợp thì Chủ tịch UBND xã Thông Thụ (huyện Quế Phong, Nghệ An) là bà Lương Thị Hồng có 8 người thân ruột thịt cùng làm việc trong xã với bà. Đó là em trai làm Chủ tịch Hội Nông dân, em gái làm Chủ tịch Hội Phụ nữ, em rể làm Phó Chủ tịch UBND xã. Ngoài ra còn có nhiều anh em họ hàng khác giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại xã.
Ngay giữa Thủ đô, năm 2015 báo chí phản ánh nhiều cán bộ công tác tại các vị trí quan trọng của UBND huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) như Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy, Phó Ban quản lý dự án, Phó phòng Kinh tế, Trưởng phòng Dân tộc học… đều có các mối quan hệ là cô, con của thông gia, em họ, chị họ, cháu, em họ của vợ… với Bí thư Huyện ủy huyện Mỹ Đức, ông Lê Văn Sang, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Hà Nhiên