+
Aa
-
like
comment

Bộ Chính trị: Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025

18/12/2019 08:00

Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản cố đô.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 54 về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết lần này là xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa Huế cũng như giá trị của cố đô di sản.

Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025

Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh.

Bộ Chính trị: Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025

Đến năm 2030, Thừa Thiên – Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu. Nơi này cũng sẽ trở thành một trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao.

Đến năm 2045, Thừa Thiên – Huế là thành phố Festival; trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch, y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Nói rõ hơn về bối cảnh ra đời của Nghị quyết 54, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết từ năm 2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế và đô thị Huế đến năm 2020. 10 năm qua, địa phương này đạt được rất nhiều thành tích nhưng mục tiêu lớn nhất là xây dựng và phát triển Thừa Thiên – Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vẫn chưa thực hiện được.

Vì vậy, Ban Bí thư đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị khoá X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế và đô thị Huế đến năm 2020”. Đồng thời, giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo xây dựng Đề án trên.

Theo ông Bình, Bộ Chính trị đã nhận định và thấy rằng phải có cách tiếp cận mới, cách nhìn mới và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên – Huế trong thời gian sắp tới. Vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54.

Bo Chinh tri: Hue se la thanh pho truc thuoc Trung uong vao 2025 hinh anh 2 ng372.jpg
Trưởng Ban Kinh tế Trung ươg Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Việt Dũng.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết, theo ông Bình, phải xây dựng cho Thừa Thiên – Huế một bộ tiêu chí đặc thù để không những xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương mà vẫn phát huy được các giá trị di sản, văn hóa riêng có của Thừa Thiên – Huế.

“Chúng ta phải xác định được những nét đặc thù riêng có của Thừa Thiên – Huế để kết hợp và xử lý một cách tốt nhất mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, để văn hóa vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển của Thừa Thiên – Huế”, ông Bình nhấn mạnh.

Đầu tư khu kinh tế vùng ven để tăng ngân sách

Với tư cách là lãnh đạo địa phương, Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cũng thừa nhận sau 10 năm thực hiện Kết luận 48, Thừa Thiên – Huế vẫn còn nhiều tồn tại như, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao. “Tỉnh cũng hết sức lúng túng trong việc triển khai thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đó là đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Lưu chia sẻ.

Ông kỳ vọng Nghị quyết 54 sẽ ra một hướng đi mới rõ nét hơn, cụ thể hơn để Thừa Thiên – Huế thực hiện được mục tiêu nghị quyết đã đề ra dù còn nhiều khó khăn trước mắt.

Bo Chinh tri: Hue se la thanh pho truc thuoc Trung uong vao 2025 hinh anh 3 cau_truong_tien_zing.jpg
Cầu Trường Tiền (còn được gọi là Cầu Tràng Tiền) là một nét đặc trưng của Huế. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.

Vấn đề lớn nhất của địa phương, theo ông Lưu, là hoàn chỉnh công trình đô thị di sản đặc thù của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tiếp đó, phải tiếp tục phát triển kinh tế trên nền tảng bảo tồn và phát triển; đầu tư xây dựng các khu kinh tế vùng ven để hỗ trợ việc làm cho người dân, tăng thu nhập, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Nói về những giải pháp cụ thể hơn, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND Thừa Thiên – Huế, cho biết tỉnh sẽ tuyên truyền, phổ biến, tạo sự đồng thuận của đảng bộ và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương chuyển Thừa Thiên – Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng quy hoạch tốt để thu hút nhà đầu tư có tiềm năng thế mạnh. Nâng cao chất lượng kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân.

Cũng theo ông Thọ, Thừa Thiên – Huế sẽ không phát triển với những đô thị lớn, những khu công nghiệp lớn mà phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại. “Huế sẽ hướng tới một đô thị sinh thái, di sản, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh”, ông Thọ nói.

Theo ông, một số lĩnh vực Thừa Thiên – Huế tập trung là phát huy những giá trị riêng có, ví dụ xây dựng du lịch là thế mạnh, y tế là ngành kinh tế quan trọng, công nghiệp luyện kim, chế tạo, công nghệ cao và nông nghiệp sạch để phát triển Thừa Thiên – Huế, hướng tới xã hội bình yên và chính quyền thân thiện.

Hoài Thu/ZN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều