+
Aa
-
like
comment

Bố bị ‘cháy như ngọn lửa’ vẫn lao vào cứu con: ‘Tôi đã từ cõi chết trở về’

Cao Phúc - 02/09/2019 16:04

Chiếc xe ba gác đổ xuống, lửa bùng lên bén vào khiến cơ thể người thương binh già ở Hà Nội bị bỏng 80% cơ thể. Sau hơn 2 tháng được các bác sĩ tích cực điều trị, chăm sóc, ông đã hồi phục một cách kỳ diệu.

Ông Hoàng Lâm và bé Hoàng Yến tại nhà riêng /// Ảnh Trần Cường
Ông Hoàng Lâm và bé Hoàng Yến tại nhà riêng

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm nhỏ đường Bạch Đằng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) những ngày qua lúc nào cũng vang tiếng cười đùa, sau khi gia đình vừa vượt qua “một kiếp nạn”. Ôm bé Hoàng Yến (6 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu của gia đình – phóng viên) trong lòng, ông Hoàng Lâm (76 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sự việc đã xảy ra với mình và con gái nuôi, bé Hoàng Yến.

Ông Lâm kể, khoảng 19 giờ tối 4.6, ông điều khiển xe ba gác, chở theo bé Yến từ nhà ở quận Hoàn Kiếm sang nhà bên huyện Gia Lâm (Hà Nội). Khi vừa lên cầu Vĩnh Tuy được khoảng 150 m thì bất ngờ có 1 ô tô phía sau đâm trúng khiến xe ba gác của ông lật nghiêng. Lửa sau đó bùng cháy dữ dội phía đầu xe, bén vào người ông.

Bố bị 'cháy như ngọn lửa' vẫn lao vào cứu con: 'Tôi đã từ cõi chết trở về' - ảnh 1
Gia đình tận tình chăm sóc ông Lâm tại bệnh viện Ảnh Trần Cường

“Lúc đó, xe bị cháy, bình xăng dự phòng đổ ra, vương vào người khiến cơ thể tôi cũng bốc cháy. Trên xe có bình cứu hỏa nhưng tôi không kịp lấy, vội chạy lại xem bé Yến có làm sao không. Sau đó, có một cậu thanh niên đi tới, phụ bế bé Yến ra ngoài”, ông Lâm kể.

Vụ cháy khiến chiếc xe ba gác bị thiêu rụi, ông Lâm bị bỏng nặng, bé Hoàng Yến cũng bị bỏng nhẹ ở đầu và tay.

Bố bị 'cháy như ngọn lửa' vẫn lao vào cứu con: 'Tôi đã từ cõi chết trở về' - ảnh 2
Trên cơ thể có nhiều vết sẹo bỏng, nhưng ông Lâm rất vui vì đã được cứu sống Ảnh Trần Cường

Theo gia đình, ông Lâm là bộ đội Trường Sơn. Sau kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Lâm trở về với một mảnh đạn trong đầu, được xếp hạng thương binh 4/4.

Ông Lâm được nhà nước cấp cho chiếc xe thương binh (xe ba gác) và thường dùng chiếc xe này chở các cháu trong gia đình đi chơi. Bé Hoàng Yến được ông Lâm nhận nuôi từ nhỏ, gắn bó với ông nên ông rất quý, đi đâu cũng đưa bé theo.

Bình phục kỳ diệu

Theo bác sĩ Nguyễn Lam Giang, Trưởng khoa Bỏng (Bệnh việnh Xanh Pôn), ông Hoàng Lâm nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bỏng nặng 80% cơ thể, bỏng sâu độ 2,3,4 và bỏng hô hấp.

“Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tổ chức hồi sức tích cực, chống sốc, cho thở ô xy, truyền nước điện giải, chống các rối loạn nước và điện giải. Ông Lâm bỏng sâu diện rộng nên rất nguy hiểm đến tính mạng, việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn”, bác sĩ Giang nói.

Sau hơn 1 tháng điều trị và trải qua nhiều ca phẫu thuật cắt hoại tử và ghép da, sức khỏe ông Lâm đã diễn biến tốt và ổn định. Đến ngày 16.8, ông Lâm được xuất viện.

Bố bị 'cháy như ngọn lửa' vẫn lao vào cứu con: 'Tôi đã từ cõi chết trở về' - ảnh 3
Ông Lâm nhập viện trong tình trạng bỏng sâu 80% cơ thể Ảnh Trần Cường

Ông Lâm cho biết, thời điểm nhập viện, ông tưởng như mình không thể sống nổi, khó thở và đau rát toàn thân. Được gia đình bên cạnh động viên, cùng với sự nhiệt tình cứu chữa của các bác sĩ, ông đã “từ cõi chết trở về”.

“Hơn 60 ngày được các bác sĩ tận tình cứu chữa, điều trị tôi đã có thể đi lại bình thường, có thể đưa các cháu đi chơi, đi ăn. Qua đây, tôi cũng gửi lời cám ơn tới những bác sĩ khoa Bỏng của Bệnh viện Xanh Pôn đã cứu tôi trong lúc tính mạng ngàn cân treo sợi tóc”, ông Lâm cảm kích.

Bố bị 'cháy như ngọn lửa' vẫn lao vào cứu con: 'Tôi đã từ cõi chết trở về' - ảnh 4
Bác sĩ Lam Giang và điều dưỡng trưởng của khoa bỏng Nguyễn Thị Hồng Yến Ảnh Trần Cường

Theo bác sĩ Nguyễn Lam Giang, Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn), khoa Bỏng của bệnh viện được thành lập từ năm 1970, cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ, đáp ứng tốt cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó, các bác sĩ có trình độ trên đại học, điều dưỡng trình độ từ cao đẳng trở lên. Vì vậy, đơn vị có đủ năng lực để cấp cứu những ca bỏng nặng, không có trường hợp nào phải chuyển tuyến vì lý do chuyên môn.

“Với quan điểm coi bệnh nhân như người nhà, không ngại khó, ngại khổ nên đa số các bệnh nhân đều rất thân thiện với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại khoa. Ông Lâm là một ví dụ điển hình, ra viện rồi nhưng gia đình vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm các bác sĩ”, bác sĩ Giang chia sẻ.

Cao Phúc

Bài mới
Đọc nhiều