+
Aa
-
like
comment

“Bộ ba hạt nhân” của Trung Quốc lộ diện, sức mạnh quân sự sánh vai Mỹ “không còn xa”

04/10/2019 09:48

Những vũ khí tối tân được Trung Quốc trình làng mới đây cho thấy, quốc gia này có thể đã hoàn thiện “bộ ba hạt nhân” với khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cuộc diễu binh nhân lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc 1/10 trên quảng trường Thiên An Môn có sự xuất hiện của những vũ khí chiến lược thế hệ mới. Những vũ khí này đại diện cho “bộ ba hạt nhân” mà quân đội Trung Quốc tham vọng sở hữu từ lâu gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng từ mặt đất, từ tàu ngầm và từ trên không.

ICBM DF-41 của Trung Quốc có tầm bắn vươn tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Nói cách khác, mối lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc nắm trong tay “bộ ba hạt nhân” để tham gia cùng Nga và Ấn Độ vào “đệ tứ anh hào” không còn xa.

Cụ thể, những vũ khí mới được Trung Quốc công bố gồm ICBM DF-41 sử dụng dàn phóng di động và nhiên liệu rắn hiện được đóng vai trò chủ chốt trong năng lực phòng thủ hạt nhân của quốc gia này. Theo thiết kế, khi được phóng từ Trung Quốc, ICBM DF-41 có tầm bắn vươn tới bất cứ mục tiêu nào nằm trên lãnh thổ Mỹ.

ICBM DF-41 có tầm bắn lên tới 15.000 km, xa hơn so với tên lửa tiềm nhiệm DF-31AG có tầm bắn 12.000 km. Bên cạnh đó, ICBM DF-41 có thể sử dụng 10 loại tên lửa nên có thể tấn công các mục tiêu khác nhau một cách độc lập.

Đáng nói, tên lửa DF-41 có thể phóng từ xe tải hoặc từ tàu hỏa do đó, tên lửa này có tính cơ động cao hơn so với tên lửa DF-5B. Trong lễ diễu binh ngày 1/10, DF-5B cũng góp mặt. Nói cách khác, DF-41 thực sự là một “đối thủ đáng gờm” đối với hệ thống phòng không của đối phương.

Ngoài DF-41, cuộc diễu binh của Trung Quốc còn có màn ra mắt của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2 có tầm bắn là 7.400 km. Hoạt động triển khai tên lửa JL-2 trên tàu ngầm hạt nhân Type 094A vào năm 2015 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc sở hữu năng lực phòng thủ hạt nhân trên biển.

Trong khi đó, tên lửa tiền nhiệm của SLBM JL-2 là SLBM JL-1 có tầm bắn khoảng 2.000 – 2.500 km. SLBM JL-1 được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân Type 092, chiếc tàu tai tiếng vì hoạt động phát ra tiếng ồn lớn.

Nổi bật nhất trong cuộc diễu binh của Trung Quốc là tên lửa siêu thanh DF-17. Tên lửa DF-17 được cho có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, dù Trung Quốc chỉ nói rằng DF-17 là “tên lửa truyền thống”. Đáng nói, DF-17 có thể bay với tốc độ nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh, cũng như có khả năng cơ động để tránh bị đánh chặn. Với tốc độ bay cực nhanh, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng các hệ thống đánh chặn của đối phương dường như không có thời gian để phản ứng và ngăn chặn tên lửa DF-17.

Nhà bình luận quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Chenming cho rằng DF-17 có tầm bắn 1.500 km nên quân đội Trung Quốc sẽ không trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa tầm trung này.

“Trung Quốc không cần theo đuổi sản xuất quá nhiều đầu đạn hạt nhân cũng như để các tên lửa tầm xa trang bị những đầu đạn hạt nhân đắt đỏ như vậy, bởi Trung Quốc đã có đủ năng lực phòng thủ hạt nhân”, ông Zhou nói.

Nhắc tới yếu tố trên không trong “bộ ba hạt nhân” của Trung Quốc còn phải kể tới máy bay ném bom H-6N cũng đã xuất hiện trong lễ diễu binh ngày 1/10. Theo đó, oanh tạc cơ H-6N có thể phóng các tên lửa đạn đạo không đối đất và không đối hạm trang bị đầu đạn hạt nhân.

Kho hạt nhân của Trung Quốc hiện được cho sở hữu khoảng 250 đầu đạn. Trung Quốc cũng khẳng định quốc gia này thi hành học thuyết “không sử dụng trước tiên” các tên lửa hạt nhân.

Song Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ Robert Ashley dự đoán, khả năng Trung Quốc sẽ cho tăng gấp đôi kho hạt nhân trong vòng 10 năm tới.

Đánh giá của ông Ashley dựa trên những nỗ lực không ngừng của quân đội Trung Quốc trong hoạt động phát triển các thế hệ mới của dàn vũ khí nằm trong “bộ ba hạt nhân”.

“Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa”, ông Ashley phát biểu tại Viện Hudson hồi tháng Năm và nhấn mạnh Bắc Kinh từng cam kết nâng tầm quan trọng của các lực lượng hạt nhân đối với sự phát triển của quân đội quốc gia.

Ông Ni Lexiong, nhà phân tích quân sự tại thành phố Thượng Hải thì cho rằng, Trung Quốc không thể sánh kịp với chi phí quân sự của Mỹ do đó Bắc Kinh sẽ tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực trọng điểm nhất.

“Vũ khí hạt nhân là cốt lõi. Mỹ chiếm ưu thế về số lượng đầu đạn hạt nhân, nhưng chiến lược của Trung Quốc là sở hữu các tên lửa hiện đại để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và triển khai phản công”, ông Ni nhận định.

Còn nhà phân tích quân sự của kênh truyền hình Phoenix tại Hong Kong, ông Song Zhongping nhấn mạnh việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từng ký kết với Nga đang thực sự là nguy cơ dẫn tới một cuộc đua vũ trang hạt nhân.

Theo ông Song, những vũ khí mới được Trung Quốc trình làng tại cuộc diễu binh có thể thổi bùng cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với Mỹ.

“Người Mỹ đang muốn đẩy Trung Quốc vào một cuộc đua vũ trang hạt nhân, nhưng Trung Quốc sẽ chỉ làm theo kế hoạch của riêng mình”, ông Song kết luận.

(Theo Infonet)

Bài mới
Đọc nhiều