+
Aa
-
like
comment

Bloomberg: Trung Quốc đang trên đà chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với ông Trump

21/09/2020 11:23

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đã tăng gần 25% kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Trump, vượt quá mức 300 tỷ USD hàng năm.

Bloomberg: Trung Quốc đang trên đà chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với ông Trump

Sau bốn năm nỗ lực không ngừng, chiến dịch chống Trung Quốc của ông Trump đã đạt đến tầm cao mới vào thứ Sáu tuần trước, khi ông tìm cách cấm người Mỹ tải xuống 2 ứng dụng của Trung Quốc là WeChat vàTiktok.

Tuy nhiên, “bảng điểm” cuối cùng trong cuộc chiến thương mại giữa Donald Trump và chính quyền Bắc Kinh đã rõ ràng. Theo Bloomberg, về mọi chỉ số quan trọng, Trung Quốc đều dẫn trước.

Hãy xem xét cán cân thương mại, thứ mà Trump dường như coi là thước đo thành công quan trọng nhất trong nỗ lực buộc Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc thương mại toàn cầu của Mỹ.

Ông Jim McCormick của NatWest Markets viết: Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đã tăng gần 25% kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Trump, vượt quá mức 300 tỷ USD hàng năm. Và Trung Quốc hiện đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ theo thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” để chấm dứt xung đột thương mại.

Tiếp theo hãy nhìn vào GDP đang phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc – thứ được xem là kết quả của cách phản ứng hiệu quả trước đại dịch của chính phủ. McCormick lưu ý, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong số 48 quốc gia đã báo cáo con số GDP quý II cao hơn so với thời điểm cuối năm 2019. Trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc, tại Mỹ – quốc gia có dịch nặng nhất (được đo bằng số ca tử vong và số ca nhiễm), nền kinh tế suy giảm 9,5% trong quý thứ hai và quy ra mức hàng năm là 32,9%,mức suy thoái mạnh nhất kể từ những năm 1940.

Và giờ đây, đồng nội tệ của Trung Quốc đang bứt phá, tăng tuần thứ tám liên tiếp, mức tăng dài nhất kể từ tháng 2 năm 2018. Các quỹ trái phiếu toàn cầu đang ồ ạt đổ tiền vào Trung Quốc. Trong khi đó, đồng USD thì đang giảm giá mạnh.

Đằng sau những con số này còn là các xu hướng sâu sắc hơn, và một lần nữa lại có lợi cho Trung Quốc, giúp Trung Quốc chiếm thị phần toàn cầu sau khi Covid-19 kết thúc. Càng ngày, Trung Quốc cung cấp càng nhiều các loại máy móc tinh vi mà các nhà sản xuất Đức đã từng thống trị, như máy khoan đường hầm cao cấp, van và máy bơm thủy lực dùng trong tuabin gió.

Ulrich Ackermann, giám đốc điều hành thương mại nước ngoài tại Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí VDMA của Đức cho rằng chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi các công ty Trung Quốc trở thành số 1.

Hay trong cuộc chạy đua để phát triển pin, chìa khóa cho tương lai của ngành giao thông, quốc phòng và các ngành công nghiệp khác, Mỹ dường như đã lép vế. Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có các cơ sở sản xuất pin với công suất sản xuất pin tối đa gần gấp đôi phần còn lại của thế giới cộng lại, theo Cathy Zoi, giám đốc điều hành của EVgo và là trợ lý thư ký tại Bộ Năng lượng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Kết quả thực sự của việc Trump cố gắng chia rẽ nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc là gì? Điều đó chỉ góp phần thúc đẩy Trung Quốc tiến xa hơn nữa tới khả năng tự cung tự cấp trong tương lai, một chiến lược mà chính Trung Quốc cũng đang theo đuổi.

Hướng kinh tế mới này của Trung Quốc được mô tả bằng cụm từ chính thức là “lưu thông kép”. Điểm mấu chốt của chiến lược là “giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là các thiết bị và đầu vào phức tạp, đòi hỏi trình độ cao, đồng thời tăng cường vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dù cựu phó Tổng thống Joe Biden hay ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, Trung Quốc vẫn sẽ luôn là vấn đề khiến nước Mỹ đâu đầu. Làm thế nào để nhà Trắng có thể làm tốt hơn?

Robert Zoellick, cựu đại diện thương mại Hoa Kỳ và người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (đồng thời là thành viên ban cố vấn của Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg), đưa ra lời khuyên: chính sách đối ngoại nên bắt đầu ở quê nhà.

Tập trung vào các vấn đề trong nước như sức khỏe cộng đồng, nhập cư và tăng trưởng kinh tế toàn diện sẽ mang lại 2 hiệu quả: vừa báo hiệu sự lãnh đạo của Mỹ, vừa thu hút được các đồng minh, Zoellick viết trên tờ Foreign Affairs.

“Từ cơ sở hợp tác mới này,” Zoellick viết, “Mỹ và các đối tác sẽ có vị trí tốt hơn để giải quyết hai thách thức bao trùm: tương lai một xã hội tự do và sự cạnh tranh với Trung Quốc”.

(Theo Bloomberg)

Bài mới
Đọc nhiều