Bloomberg: Nông thôn Việt Nam biến đổi nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất
Trước khi các nhà máy xuất hiện, Bắc Giang còn là tỉnh nghèo, nổi tiếng với gạo, vải và “gà chạy bộ”.
Hiện tại, Bắc Giang đã là điểm dừng chân của cả đại diện Apple và Hon Hai Precision Industry. Tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào đây gần như gấp đôi sau mỗi năm, bất chấp đại dịch. Tỉnh này dự báo giá trị xuất khẩu năm nay sẽ chạm 11 tỷ USD, gấp 10 trong 6 năm. Người dân cũng chuyển từ những chiếc xe máy cũ kỹ, bám đầy bụi đất sang xe mới. Một số thậm chí có thể mua ôtô chạy trên những con đường vừa hoàn thiện.
“Cuộc sống giờ rất tốt, nhờ có các nhà máy”, ông Nguyen Van Lanh (64 tuổi) cho biết. Gia đình ông từng chẳng đủ tiền mua thịt, nhưng giờ có dãy nhà cho công nhân thuê. Chúng được xây bằng tiền tiết kiệm từ đồng lương làm cho nhà máy của gia đình ông.
Sự thay đổi tại Bắc Giang cho thấy việc dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới tác động thế nào đến những khu vực từng bị bỏ lại phía sau. Việt Nam đang ngày càng thu hút chuỗi sản xuất phức tạp, do lương nhân công tại Trung Quốc tăng cao, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chuỗi logistics bị gián đoạn vì đại dịch. Bên cạnh đó, Việt Nam đến nay cũng được đánh giá thành công trong kiểm soát Covid-19.
Trong nhiều thập kỷ sau khi Việt Nam mở cửa cho thương mại và đầu tư nước ngoài, Bắc Giang vẫn còn là một tỉnh nghèo. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tại đây là 650 USD một năm – chỉ bằng nửa Việt Nam khi đó, theo số liệu thống kê chính thức. Mùa màng cũng cho năng suất thấp vì ngập lụt, khiến người dân phải đi xa cả nghìn km để làm việc tại các nhà máy nơi khác. Nhưng hiện tại, thu nhập bình quân đầu người tại đây được dự báo lên tới 3.000 USD năm nay.
Rất nhiều hãng sản xuất đã tìm đến các tỉnh phía Bắc Việt Nam, cam kết rót hàng tỷ USD để xây nhà máy, ví dụ như Samsung Electronics. Pegatron – đối tác lắp ráp của Apple cũng có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Hải Phòng, nối gót một số nhà cung cấp khác của Táo Khuyết. Apple gần đây cũng đăng thông báo tuyển dụng tại Việt Nam cho các vị trí kỹ sư, quản lý chuỗi cung ứng và quan hệ chính phủ.
Hiện tại, các hãng cung cấp đồ điện tử vẫn đang rót đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh nhiều ngành khác chật vật vì đại dịch. Doanh thu từ du lịch của Việt Nam đã giảm khoảng 50%. Các nhà máy dệt may và nhiều ngành khác phải sa thải hàng chục nghìn nhân viên do xuất khẩu chững lại. GDP Việt Nam, dù thuộc nhóm số ít trên thế giới có thể tăng năm nay, cũng được dự báo giảm về 2-3%, từ 7% năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ này dự kiến quay lại 6 – 7% giai đoạn 2021 – 2025.
Gene Tyndall – chuyên gia về chuỗi cung ứng tại hãng tư vấn eMATE Consulting nhận định chi phí thấp, chính trị ổn định, chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng được cải thiện và các nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích khởi nghiệp công nghệ đã giúp Việt Nam hấp dẫn đầu tư.
Tại trung tâm Bắc Giang, những con đường 6 làn đã xuất hiện. Hàng loạt khu công nghiệp cho nhà máy được đề xuất xây dựng. GDP tỉnh này đã tăng 10,9% trong 9 tháng đầu năm so với năm ngoái. Trong khi tốc độ cả nước chỉ là 2,12%.
“Chúng ta đang sống trong thời kỳ thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu”, Phó chủ tịch huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng cho biết. Đây là nơi đặt 4 trên 5 khu công nghiệp của Bắc Giang. Làn sóng các hãng sản xuất chuyển đến Bắc Giang bắt đầu từ năm 2016. Khi đó, các doanh nghiệp đã rót 3,8 tỷ USD vào tỉnh này – tăng gấp 4 lần so với 4 năm trước đó.
Ông Lượng cho biết Bắc Giang đang xây thêm một cảng để vận chuyển hàng hóa và cung cấp đất xây nhà cho công nhân Luxshare Precision Industry, theo đề nghị của Apple. Luxshare Precision Industry hiện là hãng sản xuất Airpods lớn nhất thế giới.
Tỷ lệ người dân có việc làm tại Bắc Giang đã gần tối đa. Nhiều người tại các tỉnh lân cận cũng đổ đến đây để tìm cơ hội tại các nhà máy như Luxshare. Công ty Trung Quốc này sẽ tuyển 20.000 công nhân trong 4 tháng cuối năm, nâng tổng số nhân viên tại Việt Yên lên 47.000 người, ông Lượng cho biết.
Theo ông, công nhân tại dây chuyền sản xuất hàng điện tử có thể có thu nhập sau thuế vào khoảng 5.500 USD một năm, đã bao gồm làm ngoài giờ và thưởng. Mức này gần gấp đôi thu nhập bình quân của cả nước (khoảng 3.000 USD).
Nguyen Thi Ha (22 tuổi) từng trộn bê tông cho một công ty xây dựng trước khi vào làm trong một nhà máy của Đài Loan với mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng. “Tôi từng chỉ kiếm được nửa số đó, mà phải làm việc ngoài trời dù mưa hay nắng”, cô nói.
Tại các nhà hàng như Lao Chu Quan ở Việt Yên, công nhân cũng ngồi kín bàn, gọi bia, thịt quay và lẩu cá. “Họ chi tiêu khá thoải mái”, Nguyen Thi Ly (26 tuổi) – quản lý cửa hàng cho biết. Gia đình cô giờ đã có xe hơi và 5 xe máy mới, dù từng “không có gì” trước khi các nhà máy xuất hiện. “Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi đáng ngạc nhiên”, cô nói.
Dù vậy, làm việc trong các dây chuyền sản xuất cũng có áp lực rất cao. “Làm việc vất vả lắm”, Hoang Phuong Duy (30 tuổi) cho biết, “Chúng tôi luôn phải rất nhanh, tập trung cao độ trong nhiều giờ liền”.
Scott Rozelle – nhà kinh tế học tại Đại học Stanford cho biết thách thức sắp tới của Việt Nam là đảm bảo cải thiện giáo dục để tránh “bẫy thu nhập trung bình”, do các nhà máy sẽ rời đi khi chi phí tăng và hướng đến một nền kinh tế tay nghề cao.
Giáo dục chất lượng cao cho các thế hệ sau cũng là mong muốn của nhiều người dân như ông Lanh. “Chúng tôi từng gần như chẳng có cơm ăn, áo mặc”, ông kể về tuổi thơ của mình. Nhìn sang đứa cháu gái 3 tháng tuổi, ông nói: “Con bé sẽ có nhiều đồ ăn hơn và có quần áo tốt nhất. Chúng tôi sẽ cho nó học đại học để có nhiều cơ hội hơn”.
Hà Thu/Bloomberg