Bloomberg lý giải ‘nước cờ’ máy thở của người đàn ông giàu nhất Việt Nam
Một bài viết mới đây trên tờ báo tài chính – kinh tế uy tín của Mỹ đã đi sâu phân tích tầm nhìn táo bạo của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong đại dịch Covid-19, mở ra cơ hội đưa Việt Nam vươn tầm thế giới.
Dẫn số liệu chỉ hơn 300 ca lây nhiễm và không có ca tử vong nào, Bloomberg cho rằng đại dịch Covid-19 dường như đã “bỏ qua” Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng hồi tháng 4 vừa qua đã thể hiện tầm nhìn, được cho là “vượt biên giới” đầy táo bạo: Đầu tư sản xuất máy thở.
Covid-19 là một dịch bệnh nguy hiểm và trong trường hợp nghiêm trọng nhất, virus sẽ tấn công vào phổi, khiến ngăn cản oxy vào máu người bệnh. Những lúc như vậy, máy trợ thở là công cụ đắc lực để giành giật sự sống, nhưng bi kịch là nhân loại hiện không có đủ máy thở. Ước tính, các bệnh viện trên thế giới đang thiếu hụt tới 800.000 máy.
Điều này đặc biệt nguy cấp, với cả quốc gia giàu nhất thế giới như Mỹ. Sau những báo cáo rằng một số bệnh viện quá tải nhất ở New York chỉ có đủ máy thở để phục vụ 2 bệnh nhân trong cùng 1 thời điểm, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô trong nước ngay lập tức bắt tay sản xuất loại thiết bị này. Ford và General Electric theo đó đã cùng tham gia 1 hợp đồng với Chính phủ Mỹ, trị giá 336 triệu USD, để giao 50.000 máy thở trước ngày 13/7 tới.
Và tỷ phú Phạm Nhật Vượng tin rằng, tập đoàn Vingroup của ông có thể làm nhanh hơn, với chi phí rẻ hơn thế. Với thiết kế của Medtronic – tập đoàn sản xuất thiết bị y tế hàng đầu thế giới – Vingroup đã trình làng một phiên bản máy thở vào tháng 4 vừa qua. Trong khi chờ đợi được cấp phép, những chiếc máy thở của DN này đang dần được hoàn thiện trên các dây chuyền lắp ráp.
Những chiếc máy thở của Vingroup có giá khoảng 7.000 USD/chiếc (hơn 160 triệu đồng), rẻ hơn 30% so với mẫu gốc do Medtronic thiết kế. Tập đoàn cũng cho biết có thể sản xuất 55.000 chiếc mỗi tháng và sẽ xuất khẩu sang bất cứ nơi nào có nhu cầu.
Mặc dù đang sở hữu 1 hệ thống các bệnh viện và phòng khám trong nước, nhưng thực tế việc trở thành nhà sản xuất thiết bị y tế chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của Vingroup. Tuy nhiên vị tỷ phú số 1 Việt Nam, vốn nổi tiếng là một người luôn đập cùng một nhịp với tham vọng của đất nước, đã đưa máy thở vào một phần trong kế hoạch đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới, tương tự ô tô VinFast trước đó.
Với người Mỹ, việc họ có quan tâm đến VinFast có thể là câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhưng máy thở thì khác. Đó là “cơ hội trời cho” từ một thế giới đang bị virus tàn phá. “Trong khủng hoảng là những cơ hội, chúng ta phải nắm bắt và hành động thật nhanh”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ với Bloomberg.
Hơn hết, những chiếc máy thở lúc này có thể là cú mở màn chiến lược của Vingroup đến thị trường thế giới. Nếu tập đoàn có thể đạt được quy mô sản xuất như những gì vị tỷ phú ước đoán, Vingroup sẽ đánh thẳng vào thị trường đang thiếu hụt mạnh của thế giới, chứng minh họ đủ khả năng cung cấp những thiết bị cứu hộ phức tạp và đáng tin cậy – “nước cờ” không tồi cho một nhà sản xuất ô tô đầy tham vọng.
Vingroup hiện đã lắp đặt thành công dây chuyền sản xuất máy thở đầu tiên trong vòng chưa đầy 1 tháng, cải tiến từ 3 dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Vsmart của mình. Đội ngũ kỹ sư sản xuất ô tô Vinfast đã đứng ra thiết kế máy thở, với sự trợ giúp của đại diện tập đoàn Medtronic.
“Có rất ít công ty trên thế giới làm được như vậy” – Mark Mobius, người sáng lập ra quỹ Mobius Capital Partners đã đầu tư vào Việt Nam trong 1 thập kỷ qua đánh giá Vingroup, “tham vọng của công ty là rất đáng kinh ngạc, có thể tạo ra thắng lợi lớn, đưa Việt Nam vào sân chơi toàn cầu”.
Theo ông Vượng, mức giá bán hiện nay của máy thở Vingroup là thấp hơn chi phí sản xuất, nhưng mục đích của việc sản xuất hoàn toàn là để đóng góp cho xã hội ở thời điểm quan trọng. Và đó cũng chỉ là tạm thời khi ông khẳng định rằng tập đoàn không có kế hoạch mở rộng sang mảng này.
Chia sẻ với Bloomberg, vị tỉ phú nói rằng mục tiêu của ông là để Vingroup có thể tiếp tục nối dài thêm danh sách những điều đầu tiên của Việt Nam. “Tôi luôn nói với các đồng nghiệp rằng đừng để cuộc đời trôi qua vô nghĩa. Đừng để đến cuối đời bạn hoàn toàn không có điều gì để hồi tưởng lại. Đó sẽ là cái kết đáng thương nếu như cuộc đời của bạn không tạo ra được bất kỳ giá trị nào”, người đàn ông giàu nhất Việt Nam nói.
Hương Thảo/KTĐT