Bloomberg: Chứng khoán Việt Nam tháng 5 tốt nhất châu Á
Hãng tin Bloomberg nhận định Việt Nam là thị trường chứng khoán có diễn biến tốt nhất châu Á trong tháng 5 nhờ kiểm soát tốt sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo Bloomberg, chỉ số VN-Index tăng 13% trong tháng 5 chủ yếu nhờ sức mua của nhà đầu tư nội khi các quỹ ngoại rút tiền khỏi tài sản rủi ro. Đồng nội tệ bật tăng 1% sau khi trượt xuống mức thấp kỷ lục hồi tháng 3.
“Chúng tôi đã đầu tư và vẫn tiếp tục tìm kiếm những cổ phiếu tốt. Việt Nam có triển vọng trung hạn đầy hứa hẹn”, Bloomberg dẫn lời Joshua Crabb, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Robeco Hong Kong, nhận định.
Bloomberg bình luận Việt Nam đã sử dụng một loạt biện pháp cứng rắn để ngăn dịch Covid-19, bao gồm truy vết và cách ly hơn 100.000 người nghi nhiễm. Những biện pháp này nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia y tế nước ngoài.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cao nhất châu Á trong năm nay khi tránh được cuộc suy thoái đang càn quét nhiều nước láng giềng châu Á.
Hồi năm 2003, Việt Nam cũng được truyền thông quốc tế khen ngợi vì xử lý tốt dịch SARS. Việt Nam là quốc gia đầu tiên được đưa ra khỏi danh sách các nước có bệnh truyền nhiễm địa phương.
Kể từ năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi của FTSE Russell để nâng cấp từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Công ty tài chính MSCI hiện cũng xem xét đưa thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Theo Bloomberg, thiếu thanh khoản là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý thị trường đã tìm cách thúc đẩy doanh số bán cổ phần, giới thiệu một số sản phẩm như phái sinh vào năm 2017 và chứng quyền có bảo đảm năm 2019.
Chính phủ Việt Nam cũng có kế hoạch sáp nhập hai sàn chứng khoán thành sàn Vietnam Stock Exchange.
Đồng tiền Việt Nam giữ ổn định so với đồng USD trong tháng này sau khi tăng 1,4% hồi tháng 4, mức tăng tháng lớn nhất kể từ năm 2008. IMF khuyến khích hạn chế các biện pháp can thiệp để duy trì trật tự thị trường và tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái.
Chính phủ Việt Nam đang tìm cách tăng quy mô của thị trường trái phiếu từ 20% GDP năm 2019 lên 45% GDP năm 2030. Trái phiếu doanh nghiệp hướng đến mục tiêu tăng từ 11% GDP lên 20% GDP.
Chính phủ và ngân hàng trung ương nắm giữ 90% thị trường nợ tính đến tháng 3, theo Ngân hàng Phát triển châu Á. Các quan chức Việt Nam kỳ vọng trái phiếu chính phủ sẽ được đưa vào chỉ số quốc tế năm 2021.
PV/VTC