+
Aa
-
like
comment

Bình Thuận thêm 5 người nhiễm Covid-19

Hồng Anh - 12/03/2020 17:42

Chiều 12/3, Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đã có thêm 5 người nhiễm Covid-19 do tiếp xúc với bệnh nhân số 34 (BN34) được xác định mắc Covid-19.

Thêm 5 bệnh nhân nhiễm virus corona sau khi tiếp xúc gần với ca thứ 34

BN40: Bệnh nhân nữ, 2 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có tiếp gần với bệnh nhân số BN34.

BN41: Bệnh nhân nam, 59 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có tiếp gần với bệnh nhân số BN34.

BN42: Bệnh nhân nam, 28 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tiếp gần với bệnh nhân số BN34.

BN43: Bệnh nhân nữ, 47 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, Bình Thuận tiếp gần với bệnh nhân số BN38 (con dâu của BN34).

BN44: Bệnh nhân nam, 13 tuổi, quê quán huyện HàmThuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, tiếp xúc gần với bệnh nhân số BN37 (nhân viên của BN34).

Cả 5 ca mới đều liên quan đến “bệnh nhân 34”, gồm chồng (59 tuổi), con trai (28 tuổi), cháu gái (2 tuổi). Hai người còn lại, một là bà sui gia và một bé trai 12 tuổi có mối quan hệ gần với nữ nhân viên nhiễm virus.

Hôm qua, con dâu, người giúp việc, nhân viên của bệnh nhân, được xác định dương tính nCoV.

Như vậy, hiện “bệnh nhân 34” là nguồn lây nhiễm lớn nhất Việt Nam, cho 8 người. Trước đó, nguồn lây nhiễm cao nhất là từ một bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, lây cho 6 người.

“Bệnh nhân 34”, doanh nhân 51 tuổi, bay từ Việt Nam sang Mỹ có quá cảnh Hàn Quốc, sau đó trở về quá cảnh Qatar, nhập cảnh Tân Sơn Nhất sáng 2/3 và đi ôtô riêng về Bình Thuận. Ngày 5/3 bệnh nhân ho, sốt. Bốn ngày sau vào viện điều trị cách ly, xác nhận dương tính ngày 10/3. Trong tám ngày kể từ lúc về nước cho đến khi nhập viện, bà tiếp xúc với nhiều người gồm thân nhân, nhân viên và đối tác.

Phun thuốc khử khuẩn trước khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, nơi điều trị các bệnh nhân Covid-19, ngày 12/3.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Thuận hôm nay cũng cho biết 12 người các diện tiếp xúc với “bệnh nhân 34” có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Một số họ được cách ly tại bệnh viện, một số khác được cách ly tại nhà có kiểm soát của cơ quan y tế địa phương.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đang cách ly 15 trường hợp, trong đó 9 người dương tính nCoV.

Bác sĩ Ngô Lương Lam Kiều, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, cho biết chiều 12/3 các bệnh nhân sức khỏe tạm ổn, không còn khó thở, giảm sốt, sinh hoạt bình thường. Ngoài cơm của bệnh viện cung cấp, người nhà bệnh nhân tiếp tế một số thực phẩm theo nhu cầu riêng và có ý kiến của bác sĩ điều trị.

Trước diễn biến phức tạp của dịch trên địa bàn, bác sĩ Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận cho biết ngành y tế địa phương đã lên phương án sẵn sàng ứng phó. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị đầu tiên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện Phổi Bình Thuận cũng đã sẵn sàng để đón bệnh nhân khi bệnh viện tỉnh quá tải.

Nếu trong trường hợp bệnh nhân tăng nữa thì Bình Thuận sẽ xây dựng bệnh viện dã chiến. “Tùy mức độ, ở huyện sẽ làm bệnh viện dã chiến cấp 1, còn ở tỉnh cấp 2”, bác sĩ Vũ cho biết.

Đến nay Việt Nam ghi nhận 44 ca Covid-19, trong đó 16 người đã khỏi, 28 bệnh nhân phát hiện trong vòng một tuần qua đang cách ly điều trị.

Các bệnh nhân có thể coi thuộc những nhóm:

– từ Hàn Quốc: “bệnh nhân 18”;

– từ Anh trên chuyến VN54: “bệnh nhân 17” và hai người bị lây từ cô này; “bệnh nhân 21”; 11 du khách nước ngoài (từ số 22 đến 31, 33); “bệnh nhân 35” và “bệnh nhân 39” lây từ du khách Anh;

– từ Anh trên máy bay riêng: “bệnh nhân 32”;

– từ Mỹ: “bệnh nhân 34” và 8 ca kéo theo, 36, 37, 38, 40, 41, 42, 43, 44.

Ngày 22/2, đoàn của bà T. gồm 19 người từ sân bay Tân Sơn Nhất bay sang New York (Mỹ) có quá cảnh ở sân bay Incheon (Hàn Quốc) 3 giờ. Sau đó, bà T. bay qua Washington DC tham quan, sang Qatar rồi đáp về Tân Sơn Nhất trên chuyến bay Qatar Aiways QR974.

Đến sân bay Tân Sơn Nhất, bà T. được đón bằng xe riêng về nhà ở TP Phan Thiết.

Ông Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, cho biết bệnh nhân bà T. nói chỉ tiếp xúc gần với một số thành viên trong gia đình, khoảng 20 người.

“Bệnh nhân cung cấp rất ít thông tin nên công tác xác định người tiếp xúc để phòng dịch rất khó khăn. Có thể chúng tôi sẽ đề nghị công an vào cuộc”, ông Hồng nói.

Ngành y tế Bình Thuận xác định có khoảng 100 người tiếp xúc gián tiếp (F2), được cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, việc bệnh nhân không chủ động khai báo thông tin cụ thể khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh việc tự nguyện khám bệnh, cách ly khi nghi ngờ bản thân mắc Covid-19 là trách nhiệm của mỗi người dân. Khi bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan trong cộng đồng, biện pháp phòng dịch đầu tiên là cách ly y tế, khoanh vùng dập dịch.

Nếu một người có hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm sẽ bị phạt cảnh cáo đến 10 triệu đồng theo quy định tại Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ.

Bài mới
Đọc nhiều