Binh sĩ TQ và Ấn Độ thi sống sót qua mùa đông lạnh giá, cuộc chiến tiêu hao bắt đầu?
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang gấp rút viện trợ hậu cận cho hàng ngàn binh sĩ ở tiền tuyến trên vùng núi Himalaya, trước khi bước vào mùa đông lạnh giá.
Theo SCMP, các tư lệnh Trung Quốc và Ấn Độ hồi đầu tuần nhất trí không đưa thêm quân đến tiền tuyến, trong nỗ lực giảm thiểu căng thẳng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ giữa hai quốc gia láng giềng.
Binh sĩ hai nước sẽ phải học cách sống sót ở độ cao 4.500 mét, nơi không khí loãng và nhiệt độ xuống rất thấp, bắt đầu từ tháng 10 tới.
“Giới lãnh đạo Ấn Độ muốn 30.000 binh sĩ ở lại vùng tranh chấp qua mùa đông, đối phó 50.000 lính Trung Quốc ở phía bên kia. Điều này có nghĩa là cần gấp rút tích trữ lương thực, đạn dược và nhiên liệu”, Rajeswari Pillai Rajagopalan, người đứng đầu Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát ở New Delhi, nói.
Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói quân đội Trung Quốc cũng rất sẵn sàng để các binh sĩ ở lại tiền tuyến trong mùa đông tới, vì mạng lưới hậu cần về cơ bản có thể đáp ứng được.
Ông Zhou nói ở giai đoạn thời tiết khắc nghiệt nhất, các binh sĩ sẽ phải tự học cách sống sót, vì nơi đóng quân gần như không thể tiếp cận được.
“Nhiệt độ trên dãy Himalayas có thể xuống tới âm 40 độ C, các con đường dẫn đến khu vực bị tuyết phủ kín, cô lập nơi này với thế giới bên ngoài”, ông Zhou nói. “Một khi mùa đông đến, hai bên muốn giao tranh cũng rất khó. Sống sót là ưu tiên hàng đầu”.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, quân đội đã xây thêm bãi đáp máy bay, và bệnh viện ở Tây Tạng, mở đường đến nơi đóng quân của binh sĩ ở tiền tuyến. Các máy bay vận tải Y-9 đã được nâng cấp để trở thành “bệnh viện bay”, sẵn sàng hỗ trợ các binh sĩ trong mùa đông năm nay.
Tờ ThePrint có trụ sở tại New Delhi cũng khẳng định quân đội Ấn Độ đang chuẩn bị các bước cuối cùng để binh sĩ có thể ở lại thoải mái trong mùa đông.
Rajeev Ranjan Chaturvedy, chuyên gia quân sự ở New Delhi, nói: “Cuộc đối đầu Trung-Ấn ở biên giới đang trở thành chiến tranh tiêu hao. Bên nào kiệt quệ cả về nhân lực và trang thiết bị trước sẽ thua cuộc”.
Theo các chuyên gia, binh sĩ Ấn Độ đã quen với điều kiện khó khăn ở vùng biên giới, nên có khả năng chịu đựng tốt hơn binh sĩ Trung Quốc. Nhưng mạng lưới hậu cần, chi viện cho tiền tuyến của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại tốt hơn Ấn Độ rất nhiều.
Minh Nhật/DV