Binh sĩ TQ mắc hội chứng lạ khi ở gần biên giới
Hội chứng này không chỉ khiến các binh sĩ mất phương hướng trên núi cao mà còn có thể gây tử vong nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, theo các chuyên gia.
Tờ SCMP hôm 16/1 đưa tin, một binh sĩ Trung Quốc, người được Ấn Độ trao trả hồi đầu tuần, đã mắc chứng bệnh có tên gọi “say độ cao”, theo nhà phân tích quân sự Zhou Chenming.
Binh sĩ này bị quân đội Ấn Độ bắt giữ ở độ cao hơn 4.200 mét so với mực nước biển, gần bờ nam của hồ Pangong Tso – một hồ trên núi dọc theo Đường Kiểm soát thực tế (LAC) giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
“Các binh sĩ rất dễ đi lạc ở địa hình núi cao. Binh sĩ Trung Quốc đã mất phương hướng và đi vào khu vực biên giới Ấn Độ. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không lạ lẫm với việc trao trả những người lính đi lạc hàng năm”, ông Zhou nói.
Một vụ việc tương tự xảy ra vào tháng 10/2020, khi binh sĩ Trung Quốc, Wang Yalong, được trả về sau 2 ngày bị quân đội Ấn Độ bắt giữ. Bắc Kinh cho biết, Wang bị lạc khi giúp một người chăn gia súc địa phương tìm bò.
Tháng 9/2020, Trung Quốc đã trao trả 5 công dân Ấn Độ, những người được cho là mất tích ở tỉnh biên giới Arunachal Pradesh – khu vực tranh chấp là tâm điểm của cuộc chiến tranh Trung – Ấn năm 1962. Bắc Kinh tuyên bố khu vực này là một phần lớn của khu vực Nam Tây Tạng.
Yogesh Gupta, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Trung – Ấn, cũng thể hiện sự đồng tình với nhà phân tích quân sự Zhou khi cho rằng việc binh sĩ và người dân 2 bên đi lạc sang khu vực biên giới của nhau là chuyện “cơm bữa”, nhất là khi 2 cường quốc châu Á có đường biên giới chung dài 3.200 km, nhiều nơi còn tranh chấp.
Elton Ng Chun-ting, một nhà vật lý trị liệu và là người Hong Kong thứ 7 từng chinh phục đỉnh Everest, cho biết, hầu hết mọi người sẽ bị “say độ cao” khi ở địa hình trên 2.500 mét so với mực nước biển.
“Các triệu chứng say độ cao bao gồm chóng mặt, đau đầu, nôn mửa và một số vấn đề khác do lượng oxy trong máu thấp, ảnh hưởng tới nhận thức của con người”, Elton chia sẻ và nói thêm rằng, khả năng di chuyển cũng trở nên hạn chế ở điều kiện địa hình khắc nghiệt.
“Say độ cao có thể gây phù não và phổi cấp tính. Bệnh nhẹ có thể điều trị bằng thuốc, bổ sung nước và nghỉ ngơi hợp lý nhưng nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, cần được đưa xuống độ cao thấp hơn để điều trị”, Elton nói thêm.
Nếu không được hỗ trợ đi lại và liên lạc hiệu quả, say độ cao có thể dẫn đến tử vong ở các khu vực vùng núi xa xôi, gần biên giới Trung – Ấn, theo nhà vật lý trị liệu Hong Kong. Các bệnh nhân cần được điều trị tích cực trong 1-2 ngày.
Ngày 18/6/2019, Wei Zhengjie, một binh sĩ Trung Quốc đóng quân trên Karakoram – dãy núi tuyết ở biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan – đã chết vì chứng say độ cao dẫn đến phù phổi cấp tính. Hai ngày trước đó, binh sĩ này còn đến tiền đồn Tianwendian để tham gia sự kiện chạy đường dài ngoài trời.
Cái chết của Zhengjie đã được công bố trong một bộ phim tài liệu mừng ngày quốc khánh Trung Quốc do đài truyền hình trung ương Trung Quốc phát sóng. Theo đài truyền hình nhà nước, hàng chục binh sĩ Trung Quốc đã chết trong 4 thập kỷ qua vì bệnh tật nhưng không nói chi tiết. Một nguồn tin cho biết, tất cả chết vì chứng say độ cao.
Nhiều binh sĩ và vũ khí mới được Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường ở khu vực biên giới tranh chấp thuộc dãy Himalaya kể từ khi căng thẳng leo thang hồi tháng 6/2020. Thời điểm đó, 20 quân nhân Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong các vụ xô xát giữa quân đội 2 bên ở thung lũng Galwan, vùng Ladakh.
Nguyễn Thái