+
Aa
-
like
comment

Bình Phước muốn trung tâm hành chính 800 tỷ: Thời 4.0 rồi…

02/01/2020 15:02

Vị ĐBQH đoàn An Giang kiến nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tính hiệu quả của các trung tâm hành chính trước khi để lan rộng thành phong trào.

Trước hiện tượng nhiều địa phương lại xin xây trung tâm hành chính hàng trăm tỉ, ĐBQH Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng cần phải rà soát, đánh giá lại tính cần thiết cũng như hiệu quả của các trung tâm hành chính đã đi vào hoạt động, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp.

Binh Phuoc muon trung tam hanh chinh 800 ty: Thoi 4.0 roi...
Bình Phước sẽ chi gần 800 tỷ đồng xây dựng tòa nha trung tâm hành chính tỉnh. Ảnh Lao động trẻ

Quan điểm của Bình nêu ra, sau khi HĐND tỉnh Bình Phước ban hành nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tòa nhà trung tâm hành chính tỉnh, với tổng mức đầu tư là 797 tỷ đồng. Vị ĐBQH đoàn An Giang thật sự lo ngại sẽ có một trào lưu mới, chạy đua xây trung tâm hành chính để lấy tăng trưởng, lấy thành tích, đặc biệt là các diện tích đất vàng của những cơ quan, trụ sở cũ.

Lo ngại trên được thể hiện khá rõ trong nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Phước, trong đó có nhấn mạnh tới chủ trương sử dụng quỹ đất của 25 trụ sở các cơ quan, đơn vị trực thuộc để đưa vào đấu giá tạo nguồn thu cho tỉnh (dự kiến khoảng 2.500 tỉ đồng). Theo ông Bình, trong điều kiện hiện tại, ngân sách trung ương và địa phương không khuyến khích cho đầu tư công mà cần tập trung cho đầu tư phát triển. Trong trường hợp này, địa phương muốn xây trung tâm hành chính phải tự cân đối, sử dụng nguồn lực của địa phương. Đất đai chính là một nguồn lực mà nhiều địa phương đang nhắm vào trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay.

Nếu nhìn vào mục đích xây dựng các trung tâm hành chính, ĐBQH Hồ Thanh Bình cho rằng, cần đánh giá từ hai phía. Về mặt xã hội, đó là chủ trương tốt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, tăng hiệu quả giải quyết công việc khi các đầu mối công việc được gom về một nơi.

Bên cạnh đó, việc gom các cơ quan về một mối cũng giúp địa phương có nhiều quỹ đất của các trụ sở cũ bị dôi dư, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, ông Bình cảnh báo, mặc dù đất đai do địa phương quản lý, song cũng là nguồn lực chung của cả quốc gia, do đó, mục đích sử dụng cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh mua rẻ, bán đắt, chỉ định thầu, lấy đất đổi dự án… gây thất thoát, lãng phí như nhiều trường hợp sai phạm từng xảy ra.

Ở chiều ngược lại, hiện vẫn chưa có báo cáo, đánh giá cụ thể nào về tính hiệu quả, tiết kiệm hay tiện ích của các trung tâm hành chính mang lại cho người dân và xã hội dù đã có nhiều trung tâm hành chính hàng nghìn tỷ đã được khánh thành, đi vào hoạt động tại nhiều địa phương khác nhau.

Thực tế, ngay ở chủ trương gom trụ sở làm việc về một mối cũng vẫn nảy sinh những mâu thuẫn, thiếu thống nhất ngay trong nội bộ lãnh đạo của các địa phương. Một số có ý kiến thống nhất việc xây trung tâm thương mại để gom việc về một nơi nhưng cũng có những băn khoăn, phản ứng vì lo ngại mất tính tự do.

Ở chiều hướng này, ông Bình cho rằng, trong điều kiện phát triển hiện nay, yêu cầu có một trung tâm hành chính to đẹp, hoành tráng không phải là nhu cầu quá cấp thiết, bắt buộc phải có.

Nhất là trong thời buổi công nghệ 4.0, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong điều hành, quản lý thì người cán bộ ngồi ở Việt Nam vẫn có thể điều hành, giải quyết công việc trên toàn thế giới.

Vì lý do này mà yêu cầu làm việc ở đâu, ở trung tâm hành chính hay trụ sở cơ quan cũng không còn quá quan trọng. Quan trọng nhất là hiệu quả và khả năng xử lý vấn đề.

Do đó, ông Bình đề nghị cần phải có những tính toán, đánh giá rất cụ thể về hiệu quả, được mất từ các tòa trung tâm hành chính đã có để có định hướng, điều chỉnh cho phù hợp.

Theo ông Bình, ở Việt Nam có tâm lý địa phương này có, địa phương khác cũng muốn có. Cái sau sẽ muốn to hơn cái trước, đây là diễn biến tâm lý dễ thấy ở các cuộc chạy đua làm trung tâm văn hóa, xây trụ sở cơ quan hay cổng chào trăm tỷ… nhưng không hiệu quả, thậm chí nhiều dự án bị bỏ hoang, phơi nắng phơi mưa, sử dụng sai mục đích.

Vì thế, nếu không có đánh giá cũng như những cảnh báo kịp thời thì rất có thể xây dựng trung tâm hành chính sẽ lại là một trào lưu mới, dễ lan rộng thành phong trào rồi đâu đâu cũng làm, cuối cùng vừa tốn kém, vừa lãng phí mà hiệu quả thì không thấy đâu.

“Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu giảm đầu tư công, giảm nợ công là rất bức thiết, Chính phủ cần phải xem xét, rà soát lại các dự án đầu tư không mang lại hiệu quả, chưa có hiệu quả rõ ràng như các dự án trung tâm hành chính vừa qua.

Tất cả đều phải dựa trên những luận chứng kinh tế rất cụ thể, không thể chạy theo các địa phương, chiều chuộng các địa phương được. Nếu nói là cần trung tâm hành chính thì địa phương nào cũng báo cáo là cần nhưng cái cần chưa chắc đã vì mục đích phát triển mà ở đây cần còn vì vấn đề thành tích và lợi ích nữa. Do đó, Cần phải tính toán, cân nhắc hiệu quả, lợi ích của người dân là bao nhiêu, lợi ích của tiện ích dịch vụ mang lại là bao nhiêu. Phải tính toán rất kỹ, tránh để tình trạng chạy đua, biết không hiệu quả vẫn cố tình làm. Mục tiêu là phải giảm đầu tư công, phải ưu tiên những dự án bức thiết”, ông Bình lưu ý.

Cùng với đó, vị đại biểu cũng đề nghị xem lại luật ngân sách, luật quản lý tài sản công, phải siết chặt mục đích sử dụng các nguồn lực công, mục tiêu chung là giảm nợ công, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực của quốc gia.

“Tôi nói ví dụ, nếu phải xây cầu phục vụ cho người dân thì phải xây. Nếu cái cầu phục vụ người dân bị hỏng, phải được ưu tiên làm trước để cho người dân đi lại chứ không phải ưu tiên xây trung tâm hành chính.

Phát triển tư duy quản lý của lãnh đạo phải dựa trên lấy lợi ích chung làm gốc, áp dụng các quy định pháp luật để quản lý là giải pháp hạn chế tiêu cực trong đầu tư công, mang lại lợi ích lớn nhất cho kinh tế xã hội và đất nước”, ông Bình nói thêm.

Lam Nguyễn/ĐV

Bài mới
Đọc nhiều