+
Aa
-
like
comment

Bình Dương vượt mốc 1000 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

08/07/2021 12:01

Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, tính đến 17h00 ngày 7/7, Bình Dương ghi nhận 140 ca mắc COVID-19. Lũy kế đến nay, Bình Dương đã có 1.044 ca mắc COVID-19 (gồm: 32 công dân Việt Nam về từ nước ngoài do Quân khu 7 điều tiết, 07 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, 1.004 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 01 ca nhập cảnh trái phép từ Campuchia).

Trong số 140 ca mắc mới có 131 ca phát hiện ở khu cách ly, 09 ca phát hiện tại cơ sở y tế. Các ca mắc liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH Wanek 2; Công ty Việt Nam House Wares; Công ty gốm sứ Hiền Hòa Anh; Công ty TNHH II-VI; Công ty PG; lây nhiễm từ TP. Hồ Chí Minh (chợ Bình Điền); phường Tân Định, TX. Bến Cát. Các ca phát hiện khi test nhanh tại các cơ sở y tế cư trú tại phường Chánh Phú Hòa, Thới Hòa, Mỹ Phước (TX.Bến Cát), phường Khánh Bình (TX.Tân Uyên).

Liên quan đến ổ dịch tại các chi nhánh của Công ty Wanek, đến nay đã có 405 ca mắc, trong đó có 03 ca liên quan Công ty Wanek 1; 401 ca liên quan Công ty Wanek 2 và 01 ca tại Công ty Wanek 4. Các ca mắc mới của chuỗi lây nhiễm này đều được phát hiện trong khu cách ly.

Riêng các ổ dịch mới được ghi nhận tại Bình Dương, liên quan đến Công ty Hansol Vina (TP. Dĩ An) có 57 ca bệnh; liên quan đến 01 ca dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện tại An Tây – Bến Cát, hiện tại đã có 09 ca mắc trên địa bàn TX. Bến Cát.

Với ổ dịch mới được ghi nhận tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng (05 ca), ổ dịch này có thể sẽ còn xuất hiện ca mắc mới do liên quan đến khu vực gần chợ, đông dân cư.

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 998 ca mắc COVID-19. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 41 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.

Lũy kế đến nay, Bình Dương đã có 1.044 ca mắc COVID-19 (gồm: 32 công dân Việt Nam về từ nước ngoài do Quân khu 7 điều tiết, 07 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, 1.004 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 01 ca nhập cảnh trái phép từ Campuchia). Số bệnh nhân đang điều trị là 995 người, 01 trường hợp tử vong ngày 04/7.

Tổng số trường hợp hiện đang còn cách ly y tế tập trung là 4.397 trường hợp và 12.916 trường hợp đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú. Ngoài ra, có 2.559 công nhân Công ty Wanek đang được cách ly tạm thời.

Tỉnh đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 4 cho 24.000 người, trong đó có 18.000 công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Chỉ thị về nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ An toàn COVID-19 trong công tác giám sát dịch tại khu dân cư và doanh nghiệp.

Theo đó, các địa phương rà soát, thành lập ngay các Tổ COVID-19 cộng đồng (Tổ phòng chống COVID trong cộng đồng)  ở tất cả các khu dân cư, khu nhà trọ trên địa bàn, đảm bảo 100% các đơn vị dân cư có sự giám sát của Tổ COVID-19 cộng đồng trước ngày 10/07.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc thành lập và tổ chức triển khai hoạt động của các Tổ COVID-19 cộng đồng hoạt động hiệu quả đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Tiểu ban chỉ đạo hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng (do 01 đồng chí lãnh đạo UBND làm Trưởng Tiểu ban) và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác giám sát hoàn thành trước ngày 10/07. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, thành lập ngay, kiện toàn, củng cố mô hình hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng theo đúng yêu cầu của Chỉ thị này và hướng dẫn của Sở Y tế; quán triệt sâu sắc trách nhiệm của Tổ COVID-19 cộng đồng tại các điểm dân cư, khu nhà trọ, tổ dân phố, ấp, khu phố, kết hợp với hướng dẫn hoạt động của các Tổ trên địa bàn đảm bảo tính thống nhất.

UBND xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch hoạt động của Tổ COVID cộng đồng, Quyết định thành lập các Tổ COVID cộng đồng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tổ, quy mô mỗi Tổ COVID cộng đồng gồm 3-4 người gồm: cán bộ tổ, ấp, khu phố, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư, chủ nhà trọ (tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách tối đa 50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ viên).

Đồng thời rà soát, thành lập ngay các Tổ An toàn COVID-19 (Tổ phòng, chống COVID-19 trong sản xuất, kinh doanh) ở tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống (gọi tắt là doanh nghiệp) trên địa bàn, đảm bảo 100% các doanh nghiệp có sự giám sát của Tổ An toàn COVID-19 trước ngày 10/07.

Yêu cầu giám đốc, chủ sử dụng lao động của nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch hoạt động của Tổ An toàn COVID-19, quyết định thành lập các Tổ An toàn COVID-19 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tổ, trong đó có phân công trách nhiệm phụ trách cụ thể cho từng thành viên.

Mỗi phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, vị trí làm việc cần thành lập ít nhất 01 Tổ An toàn COVID-19 hoạt động kiêm nhiệm. Trường hợp tổ sản xuất có đông người lao động thì có thể thành lập nhiều Tổ An toàn COVID-19.

Mỗi tổ từ 2-3 người, thành phần gồm lãnh đạo các tổ, đội, nhóm; đại diện công đoàn, các công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại nơi sản xuất, có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, có uy tín hoặc những người là an toàn vệ sinh viên tại cơ sở. Tốt nhất mỗi tổ phụ trách khoảng 50 công nhân.

Khuyến khích Giám đốc, chủ sử dụng lao động xem xét có các hình thức bồi dưỡng, hỗ trợ về vật chất, khen thưởng động viên kịp thời, khuyến khích Tổ An toàn COVID-19 tại doanh nghiệp hoạt động tích cực và có hiệu quả.

Đẩy mạnh triển khai quét mã QR để phòng chống COVID-19

UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh triển khai việc quét mã QR để quản lý thông tin người ra vào cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

​Theo đó, quét mã QR để quản lý thông tin áp dụng cho người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí; nơi tập trung đông người bao gồm: Trụ sở làm việc; khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; quán bar; vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn; bệnh viện, các cơ sở y tế; chung cư; trường học; nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng; trung tâm thương mại, siêu thị; chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu; đám tang, đám cưới; địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí; khu tâm linh…

UBND cấp huyện, cấp xã chỉ đạo quyết liệt việc khai báo y tế điện tử và quét mã QR để kiểm soát thông tin người ra, vào đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở, địa điểm trên địa bàn; có giải pháp hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu người dân khi ra vào cơ quan, tổ chức, công sở, các địa điểm công cộng cần thực hiện quét mã QR.

Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tăng cường tuyên truyền, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp triển khai quét mã QR để quản lý thông tin người vào, ra; yêu cầu triệt để toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động của doanh nghiệp tuân thủ thực hiện.

Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở dạy nghề, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh triển khai quét mã QR để quản lý thông tin người vào, ra.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải hoạt động trên địa bàn thực hiện nghiêm việc quét mã QR để quản lý thông tin người ra, vào tại các bến tàu xe, các phương tiện giao thông vận tải công cộng.

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế triệt để triển khai việc quét mã QR để quản lý thông tin người ra, vào. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan sử dụng triệt để hệ thống công nghệ do Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia cung cấp để phục vụ trong quản lý, truy vết, tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin, báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Đài Phát thanh cấp huyện, cấp xã triển khai các biện pháp tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên. Phối hợp với Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan của Bộ Y tế sử dụng các hệ thống công nghệ do Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia cung cấp phục vụ công tác quản lý và truy vết.

Liên đoàn Lao động tỉnh, các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội, các tổ chức Hội phát động phong trào, cử thành viên hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm trên địa bàn thực hiện việc quét mã QR để quản lý thông tin người ra, vào.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả triển khai và báo cáo về UBND tỉnh trước 15 giờ 00 phút hàng ngày qua hộp thư [email protected].

Tài liệu hướng dẫn sử dụng và triển khai quét mã QR để quản lý người ra, vào có thể tải về tại địa chỉ https://bluezone.gov.vn/tai-lieu.​

Công Khang

Bài mới
Đọc nhiều