+
Aa
-
like
comment

Binh biến Myanmar: Hai cường quốc đối đầu

Trần Anh - 12/02/2021 21:11

Liên Hiệp Quốc đã có cuộc họp đặc biệt về tình hình Myanmar, nơi Mỹ kêu gọi các nước trừng phạt quân đội Myanmar, còn Trung Quốc khẳng định đã phối hợp để đưa Myanmar “quay lại bình thường”.

Mỹ kêu gọi trừng phạt quân đội Myanmar, Trung Quốc nói đó là ‘chuyện nội bộ’ - Ảnh 1.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trần Húc

Các cuộc biểu tình ở Myanmar vẫn diễn ra hôm 12-2, phản ánh căng thẳng kéo dài kể từ lúc quân đội Myanmar bắt Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo chính quyền dân sự hôm 1-2.

Góc nhìn về những gì xảy ra ở Myanmar cũng là chủ đề gây tranh cãi. Các nước phương Tây xem đây là một cuộc đảo chính của quân đội, trong khi quân đội Myanmar khẳng định đã hành động vì cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua.

Khác biệt trong quan điểm về Myanmar tiếp tục được thể hiện trong một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 12-2, do Anh và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi.

Ông Thomas Andrews, nhà điều tra về nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Myanmar, khẳng định có “những báo cáo ngày càng gia tăng và bằng chứng hình ảnh” cho thấy lực lượng an ninh Myanmar dùng đạn sống trong việc đối phó người biểu tình, vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo ông Andrews, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên cân nhắc áp lệnh trừng phạt, cấm vận vũ khí và cấm di chuyển vì chính biến ở Myanmar.

Myint Thu, đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, trong khi đó nói Myanmar sẽ duy trì phối hợp với Liên Hiệp Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

“Chúng tôi không muốn ngưng trệ tiến trình chuyển giao dân chủ non trẻ của đất nước”, Reuters dẫn lời ông Myint Thu.

Trước đó, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên những thành viên quân đội Myanmar liên quan tới chính biến.

Hôm 12-2, Washington cũng kêu gọi các nước khác tham gia vào nỗ lực thúc đẩy trách nhiệm của những người có liên quan tới “cuộc đảo chính”, bao gồm việc thông qua các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, ông Trần Húc, cho biết Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy việc đưa Myanmar “trở lại bình thường”, nhưng khẳng định đây là chuyện nội bộ Myanmar.

“Những gì xảy ra ở Myanmar về cơ bản là chuyện nội bộ của Myanmar”, ông nói.

Trung Quốc và Myanmar có mối quan hệ thân cận. Trong chính biến cũng xuất hiện một số thông tin chưa kiểm chứng cáo buộc sự can thiệp của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ việc này.

NHẬT ĐĂNG/TTO

Bài mới
Đọc nhiều