Big C lên tiếng giải thích việc ngưng nhập hàng dệt may của Việt Nam
Trước phản ứng của các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm may mặc cho hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, Central khẳng định: Tiếp tục đồng hành cùng các nhà sản xuất.
Lý giải vấn đề này với PV, lãnh đạo Central Group Việt Nam cho rằng, Big C đang phát triển các thương hiệu mới, đang thực hiện quá trình phát triển này trong chuỗi bán lẻ của mình và cách tiếp cận tương tự được áp dụng cho ngành hàng may mặc.
“Để dảm bảo mô hình kinh doanh mới này có thể phát triển thành công, Việt Nam đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này; tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển đó. Big C đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng” – bà Nguyễn Thị Phương –Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam nhấn mạnh.
Thay mặt Central Group Việt Nam, và Nguyễn Thị Phương khẳng định: Big C Việt Nam cam kết tiếp tục phát triển cùng các nhà cung cấp địa phương nói chung và ngành hàng dệt may nói riêng.
Việt Nam.Trước đó, ngày 2.7, Central Group Việt Nam, đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, đã có thông báo gửi tới các đối tác cung cấp hàng may mặc với nội dung tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên.
Trong thư gửi khách hàng, nội dung ghi rõ: Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc của các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7 năm 2019.
Theo giải thích của Central Group Việt Nam trong thư, việc tạm ngừng đặt hàng là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central ở Thái Lan.
Phản ứng trước thông báo này của Central Group Việt Nam, nhiều DN dệt may lo lắng và cho rằng Central Việt Nam đã vi phạm hợp đồng hợp tác, bởi việc đột ngột dừng hợp đồng sẽ khiến DN không chủ động được kinh doanh, không tiêu thụ được nguồn hàng đã sản xuất theo kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến của người tiêu dùng cho rằng, hàng may mặc bán tại Big C chất lượng không cao, mẫu mã không hấp dẫn và việc dừng nhập hàng của Central là “có thể hiểu được”, tuy nhiên, Central cần có lộ trình và thông báo với DN với thời hạn phù hợp, không thể đột ngột ngừng mua hàng.
Theo một số chuyên gia, nếu tiền lệ này được thông qua, có thể hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu, sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.
Trước khi có sự kiện Central Group từ chối hàng Việt chính thức bằng văn bản kiểu này, thực tế hàng Việt trên kệ các siêu thị ngoại đã ngày càng ít đi với chính sách đòi hỏi mức chiết khấu cao, các nhà cung cấp không chịu nổi “nhiệt”, đành phải bỏ kênh siêu thị.
(Theo Lao Động)