+
Aa
-
like
comment

Big C có “dằn mặt” nhà cung cấp Việt?

13/07/2019 07:39

Đại diện Central Group VN (sở hữu hệ thống Big C) trả lời Tuổi Trẻ về hàng loạt câu hỏi: Vì sao chiết khấu nhiều nhà cung cấp Việt Nam tới 40-50%? Tỉ lệ hàng Việt trong Big C có giảm?

Big C có dằn mặt nhà cung cấp Việt? - Ảnh 1.
Central Group VN cho hay vẫn đang trong quá trình rà soát nhà cung cấp. Trong ảnh: các nhà cung cấp kéo đến trụ sở Central Group sau khi bị dừng đột ngột đơn hàng.

Gần 10 ngày sau sự việc hàng loạt nhà cung cấp cùng công nhân kéo đến trụ sở Central Group VN phản đối việc bị đột ngột ngưng nhận hàng, ông PRADEEP GUPTA – giám đốc ngành hàng may mặc Central Group đã trả lời phỏng vấn:

– Ngay khi sự việc ồn ào diễn ra với các nhà cung cấp, ngay trong ngày 3-7, đại diện của chúng tôi đã thừa nhận trong email thông báo gửi đến nhà cung cấp việc diễn đạt có gây sự hiểu lầm. Nếu trước email ngày 2-7, Central Group có một thông báo thì đã không xảy ra tình huống đáng tiếc trên.

160/200 nhà cung cấp đã nhận lại đơn hàng

* Central Group VN nói đã làm việc với các nhà cung cấp, nhưng nhiều nhà cung cấp nhỏ nói không được biết. Thực tế thế nào, thưa ông?

– Chúng tôi cũng cần nói rõ trong 3 tháng qua, bộ phận ngành hàng may mặc của Big C đã lên lịch các cuộc họp, làm việc liên tục với các nhà cung cấp lớn để thảo luận về ba chủ đề chính: định hướng mới cho ngành hàng may mặc tại Big C, chất lượng sản phẩm và các điều khoản thương mại năm 2019.

Với các nhà cung cấp khác, mặc dù chúng tôi chưa có cơ hội gặp gỡ họ trực tiếp, nhưng bộ phận mua hàng của chúng tôi đã liên tục gửi ra thông báo về sự cần thiết phải cải thiện toàn diện chất lượng sản phẩm và kế hoạch kinh doanh mới của chúng tôi trong thời gian tới.

* Central Group tuyên bố đã nhận đơn đặt hàng trở lại cho 50 nhà cung cấp đầu tiên sau khi làm việc với Bộ Công thương cũng bị phản ứng là không đúng?

– Việc các nhà cung cấp cho rằng chúng tôi chưa mở code (mã hàng) để nhận lại đơn đặt hàng ngay trong ngày 4-7 (thời điểm sau khi tổng giám đốc Central Group làm việc với Bộ Công thương – PV) là đúng. Vì sáng 5-7, chúng tôi mới gửi email đến 52 nhà cung cấp thông báo rõ về việc sẽ mở đơn đặt hàng mới để việc đặt hàng diễn ra như bình thường.

Tính đến ngày 11-7, đã có 160/200 nhà cung cấp làm việc và nhận đơn hàng trở lại của chúng tôi. Với những nhà cung cấp còn lại, chúng tôi vẫn đang rà soát để đảm bảo rằng họ đáp ứng được những yêu cầu trong chiến lược kinh doanh mới của tập đoàn.

Big C có dằn mặt nhà cung cấp Việt? - Ảnh 2.
Ông Pradeep Gupta

Nhà cung cấp nói chưa đúng

* Các nhà cung cấp cho rằng Central Group tạm dừng nhận đơn hàng, dù chỉ một ngày, cũng gây thiệt hại rất lớn cho họ?

– Cái này họ nói chưa đúng. Các hợp đồng hoặc đơn hàng chúng tôi đã ký với họ nếu còn hiệu lực, chúng tôi vẫn nhận hàng bình thường. Thậm chí các mẫu mã trong giai đoạn sản xuất thử đã được chúng tôi ký thỏa thuận với nhà cung cấp, chúng tôi cũng lấy. Còn lại chỉ là tạm dừng không nhận đơn hàng mới trong vòng hai tuần. Hoàn toàn không có chuyện hủy ngang hợp đồng.

* Có hay không việc Central Group có ý “dằn mặt” các nhà cung cấp đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cung cấp thông tin cho báo chí sau khi sự việc xảy ra?

– Chúng tôi khẳng định không hề có bất kỳ “hành vi đe dọa” nào tới các nhà cung cấp, kể cả khi họ đã tham gia đám đông phản đối, tụ tập trước văn phòng làm việc của chúng tôi tuần trước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh công ty.

Chiết khấu 40-50% doanh thu

* Tỉ lệ hàng may mặc trong nước hiện chiếm bao nhiêu phần trăm trong hệ thống của Central Group tại Việt Nam?

– Tôi không thể nói con số chính xác tuyệt đối, nhưng phần lớn các nhà cung cấp trong ngành hàng này đều là doanh nghiệp trong nước của Việt Nam.

* Các nhà cung cấp thấy việc đánh giá lại của Central Group như một cách “loại bỏ” vì có nhiều nhà cung cấp đã hợp tác làm ăn rất lâu với tập đoàn, sao bây giờ mới đánh giá lại? Mức chiết khấu cũng lên đến 40-50% doanh thu của họ?

– Chúng tôi chưa có ý định nghi ngờ về chất lượng của các nhà cung cấp. Nhưng việc đòi hỏi sản phẩm phải cải tiến liên tục để phù hợp với xu hướng mới khiến chúng tôi cũng phải thường xuyên đánh giá khả năng của các nhà cung cấp là điều bình thường.

Và việc đánh giá lại các nhà cung cấp không đồng nghĩa với việc loại bỏ, mà chúng tôi cần xem xét toàn diện về khả năng các nhà cung cấp có tương thích với mô hình, chiến lược kinh doanh mới của chúng tôi tới đây hay không. Đó cũng là lý do chúng tôi đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Dệt may Việt Nam để tìm kiếm, bổ sung các nhà cung cấp mới cho Central Group.

Riêng mức chiết khấu, nó thuộc về các điều khoản được cụ thể hóa rõ trong hợp đồng, trên sự đồng ý của cả hai bên.

Với Big C, chúng tôi đã thực hiện chính sách về chiết khấu như vậy từ trước đến nay, ngay từ trước khi chúng tôi nhận chuyển nhượng lại hệ thống này. Trong tương lai, việc tìm kiếm nguồn cung cấp địa phương sẽ được tiến hành hoàn toàn minh bạch và tỉ lệ chiết khấu sẽ phụ thuộc giá gốc mua vào.

Đánh giá qua đơn vị độc lập

* Làm sao biết được 200 nhà cung cấp hiện hữu cùng các nhà cung cấp mới sẽ qua được các lần “sát hạch” tới đây của Central Group?

– Các nhà cung cấp đều có cùng cơ hội như nhau. Việc đánh giá sẽ thông qua một đơn vị độc lập thứ 3, được thực hiện thường xuyên nhằm có kết quả đánh giá công bằng, minh bạch. Tiêu chí đánh giá dựa trên nhiều yếu tố. Từ chất lượng nguyên phụ liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm cuối cùng, quy mô và tiêu chuẩn sản xuất, mẫu mã, các yêu cầu pháp lý liên quan về mặt tuân thủ…

Chúng tôi khẳng định nguồn cung ứng địa phương cho các sản phẩm Việt Nam, được sản xuất tại Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.

Vẫn tiếp tục rà soát

Ông Pradeep Gupta cho biết: “Các hoạt động đánh giá lại các nhà cung cấp Việt Nam vẫn diễn ra theo đúng như những gì đã cam kết với Bộ Công thương. Thông qua rà soát đánh giá lại lần này, chúng tôi hi vọng sẽ có được một danh mục các nhà cung cấp Việt Nam vững mạnh, uy tín và có khả năng sản xuất các sản phẩm dệt may Việt Nam chất lượng cao để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu”.

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều