Biểu tình Hong Kong tăng cấp độ bạo lực tăng cao
Một cảnh sát bắn đạn thật vào một người biểu tình Hong Kong ngày 11-11, “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc xung đột dai dẳng giữa hai bên trong 5 tháng qua, cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị ở xứ cảng thơm vẫn chưa tìm thấy lối thoát.
Vụ nổ súng trên thậm chí còn được phát trực tiếp (livestream) trên tài khoản mạng xã hội Facebook của Công ty Cupid Producer, sau đó được nhiều cơ quan báo chí chính thống của Hong Kong và quốc tế dẫn lại.
Hiện có nhiều tranh cãi xung quanh hành vi nổ súng của cảnh sát, khi có ý kiến cho rằng người biểu tình chưa có hành động nguy hiểm nào đe dọa lực lượng chấp pháp.
Bạo lực trong giờ làm việc
Theo Hãng tin AFP, sự việc đánh dấu mốc leo thang mới nhất về tình hình bất ổn tại Hong Kong trong hơn 5 tháng diễn ra những cuộc biểu tình gần như mỗi ngày, gây rối loạn trung tâm tài chính quốc tế. Thị trường chứng khoán Hong Kong giảm 2,9% trong phiên giao dịch giữa chiều, kéo theo xu hướng giảm điểm tại nhiều nơi khác trong khu vực.
Đây không phải lần đầu tiên, mà đã là lần thứ 3 người biểu tình bị trúng đạn thật của cảnh sát. Theo Reuters, cảnh sát Hong Kong bắt đầu dùng đạn thật bắn cảnh cáo trong tháng 8, sau đó đã bắn bị thương 2 người biểu tình lần lượt 18 và 14 tuổi.
Tuy nhiên, sự việc ngày 11-11 lại đánh dấu một diễn biến xấu đi rất đáng chú ý, đó là tình trạng xung đột bạo lực xảy ra ngay trong giờ làm việc. Thông thường, bạo lực nếu có xảy ra thường rơi vào tầm chiều muộn, khi một số công sở đóng cửa sớm và người lao động rục rịch về nhà.
Trong đoạn video ghi lại tại quận Sai Wan Ho ở phía đông đảo Hong Kong, viên cảnh sát rút súng trấn áp một người biểu tình bịt mặt tại khúc giao lộ đang bị người biểu tình phong tỏa.
Sau đó, khi một người biểu tình bịt mặt khác tiến lại, viên cảnh sát đã nổ súng trực diện vào phần thân trên, người này ngã xuống đường. Tiếp theo là hai tiếng súng khác vang lên, liền sau đó một cảnh sát khác cũng đang cùm tay một người biểu tình nữa nằm trên nền đất.
Cảnh sát Hong Kong xác nhận có một người bị đạn bắn. Theo Reuters, tình trạng sức khỏe của người này khá nghiêm trọng. Trong thông cáo phát đi cùng ngày, cảnh sát Hong Kong cho biết những người biểu tình cực đoan đã dựng rào chắn trên khắp thành phố, đồng thời cảnh báo người biểu tình phải “chấm dứt ngay những hành vi phạm pháp”.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 11-11, cảnh sát Hong Kong còn xác nhận đã xảy ra vụ một người đàn ông bị người khác tẩm xăng lên người đốt và người này nhập viện trong tình trạng phỏng nặng.
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu ngay lập tức dẫn lại video này với đoạn tweet: “Những kẻ nổi loạn mặc đồ đen ở Hong Kong đã châm lửa đốt một người dân ở Ma On Shan ngày thứ hai, cảnh sát Hong Kong đã xác nhận sự việc với Thời Báo Hoàn Cầu”.
Dấn sâu mâu thuẫn
Dư luận Hong Kong vẫn chưa nguôi ngoai sau cái chết thương tâm của một sinh viên 22 tuổi do chấn thương quá nặng vì ngã từ trên cao xuống trong khi bị cảnh sát rượt đuổi. Vụ nổ súng sáng 11-11 lại khiến những dòng người biểu tình đổ ra đường đông hơn.
Trong giờ nghỉ trưa cùng ngày, tại khu Central, nơi tập trung hàng loạt văn phòng của các tập đoàn lớn quốc tế và các cửa hàng bán lẻ hạng sang, cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán hàng ngàn người biểu tình tụ tập. Rất nhiều người trong đó mặc đồng phục công sở.
Trong suốt buổi sáng 11-11, đạn cao su và hơi cay đã được bắn đi tại nhiều quận.
Cho đến nay, Hong Kong vẫn không có một giải pháp chính trị cụ thể nào cho những bất ổn đã bước sang tuần 24 liên tiếp. Cảnh sát vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng cách xử lý mạnh tay của họ là sự đáp trả phù hợp với những người biểu tình xông vào ném gạch đá, bom xăng, phá hoại các doanh nghiệp thân Trung Quốc và đánh đập những người đối lập.
Trong khi đó, 1 trong 5 yêu sách của người biểu tình là cần tiến hành điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát. Song cả Bắc Kinh lẫn nhà lãnh đạo đặc khu Carrie Lam đều bác bỏ cuộc điều tra, cho rằng lực lượng giám sát cảnh sát vẫn đang làm tốt chức trách của họ.
Bà Carie Lam quyết không nhượng bộ
Theo Đài CNN (Mỹ), phát biểu trong cuộc họp báo chiều 11-11, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam khẳng định chính quyền sẽ không nhượng bộ với các yêu sách của người biểu tình.
Bà nói: “Nếu có bất cứ ý nghĩ mong muốn nào cho rằng việc gia tăng bạo lực sẽ khiến chính quyền Hong Kong chịu thua trước sức ép và thỏa mãn những cái gọi là yêu sách của người biểu tình, tôi xin nói rõ là điều này sẽ không xảy ra”.
Bà trưởng đặc khu nói thêm bạo lực sẽ không mang lại bất cứ giải pháp nào “cho những vấn đề Hong Kong đang đối mặt”.
Liên quan tới cái chết gần đây của sinh viên 22 tuổi Chow Tsz-lok, bà Carrie Lam nói bà “rất buồn và lo lắng”, đồng thời ủng hộ quá trình điều tra vụ việc.
(Theo Tuổi Trẻ)