+
Aa
-
like
comment

Biết nói gì khi chính quyền, doanh nghiệp lừa dối người dân!

Tùng Lâm - 09/09/2019 16:33

Rủi ro thì ở nước nào cũng có thể xảy ra, nhưng quan trọng là chính quyền và các cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin, xử lý vấn đề nhanh chóng để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Đó là những chia sẻ của bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội khóa 13, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ – Môi trường của Quốc hội trước những hành xử của Uỷ ban nhân dân quận Thanh Xuân với UBND phường Hạ Đình; sự trung thực của Công ty Rạng Đông với cơ quan chuyên môn và cao hơn hết là hành xử của cơ quan chức năng, địa phương với môi trường, với sức khỏe người dân.

Theo phân tích của các nhà khoa học, vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông không thể coi là vụ cháy thông thường mà phải được nhìn nhận là sự cố môi trường, do tính chất của nhà máy sử dụng các nguyên liệu, hóa chất cực độc yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt.

Có nhìn nhận đúng về sự việc mới có những ứng xử, xử lý phù hợp. Nếu nhìn nhận là sự cố môi trường thì trong Luật Bảo vệ môi trường cũng đã quy định một quy trình như quy trình báo động đỏ của ngành Y tế để nhanh chóng huy động mọi lực lượng vào cuộc, khắc phục xử lý môi trường ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường.

Rất tiếc là trên thực tế quy trình báo động đỏ này đã không được thực hiện. Những biện pháp khẩn cấp như cách ly hiện trường, xử lý hóa chất… đã không được thực hiện vì rõ ràng vụ cháy này chưa được nhìn nhận là sự cố môi trường. Cũng chính vì không nhìn nhận đây là sự cố môi trường nên mới có chuyện Uỷ ban nhân dân quận Thanh Xuân (Thành phố Hà Nội) đã đưa ra kết quả của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế kết luận các chỉ số như: Thủy ngân, chì, kim loại nặng được do bằng máy test nhanh thì kết quả cho thấy các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.

Ấy nhưng, sự thật thì lại khiến dư luận choáng váng. Chỉ vào giờ sau đó, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế đã phản bác thông tin của Uỷ ban nhân dân quận Thanh Xuân. Nói cách khác, Uỷ ban nhân dân quận Thanh Xuân đã bịa ra “kết quả an toàn môi trường” và gắn vào Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế. Đặc biệt kết quả quan trắc môi trường sau ngày xảy ra vụ cháy được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân thông tin tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ một lần nữa chứng minh sự “dối trá” của chính quyền quận Thanh Xuân. Theo đó, không khí gần đám cháy kho Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông có hàm lượng thủy ngân cao vượt ngưỡng cho phép từ 10 – 30 lần. 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thủy ngân vượt quy chuẩn 1,3 lần, 1/8 mẫu trầm tích có giá trị thủy ngân vượt tiêu chuẩn 1,36 lần.

Điều đặc biệt là, sau vụ cháy, đại diện Công ty Rạng Đông không đưa ra bất cứ thông tin khuyến cáo nào tới người dân và cơ quan chức năng cũng như cơ quan báo chí. Điều này khiến dư luận đặt vấn đề, liệu có phải công ty này cố tình đánh lận thông tin rằng không có thủy ngân khi thông báo trong quá trình sản xuất dèn huỳnh quang, thủy ngân đã được thay thế bằng chất khác, coi đây là thành tựu khoa học, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp. Bằng chứng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố có khoảng 27,2kg thủy ngân phát tán ra môi trường và vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng nằm trong bán kính 500m, đã chứng minh nhà máy sản xuất vẫn sử dụng thủy ngân và còn là một lượng không nhỏ. Chất khác mà doanh nghiệp công bố thực chất là một hợp chất có chưa thủy ngân.

Người dân lo lắng, hoang mang, rồi bức xúc chính vì kiểu thông tin “đánh lận con đen” như vậy, khi mỗi ngày qua đi lại có thêm những tình tiết mới do các cơ quan chức năng đưa ra. Trong khi việc xử lý môi trường đòi hỏi phải hết sức khẩn trương.

Điều đáng buồn là sự chậm chạp trong xử lý sự cố môi trường, cũng như thông tin, khuyến cáo đến người dân thì mập mờ, thậm chí là dối lừa lại xảy ra ở ngay Thủ đô – nơi chắc chăn có đủ và phải đủ nguồn lực, cũng như cơ chế để xử lý những sự cố như thế này.

Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong sự việc lần này. Cũng từ chuyện cháy ở Rạng Đông, đã đến lúc cần phải nghiêm túc nhìn nhận về cách thức ứng xử của cả cộng đồng, mà trước hết là các cơ quan chức năng khi đối mặt với sự cố môi trường.

Tùng Lâm 

Bài mới
Đọc nhiều