+
Aa
-
like
comment

Biến thể Omicron khiến nhiều quốc gia không còn duy trì cách ứng phó cũ

01/02/2022 07:33

Biến chủng Omicron lây lan nhanh và thường chỉ gây bệnh nhẹ ở những người đã tiêm vaccine, khiến nhiều quốc gia không còn duy trì cách ứng phó trước đây.

Giới chức trách nhiều nơi đang thích ứng với các đợt bùng phát lớn hơn và để tình trạng lây nhiễm tới cấp độ không lâu trước đó có thể dẫn tới khủng hoảng y tế công cộng, theo Wall Street Journal.

Các chính quyền Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương đang đi cùng một hướng, mang lại cái nhìn ban đầu về tương lai, trong đó khủng hoảng đại dịch trở thành một thực tế trong đời sống thường nhật, giống như cúm mùa.

Bước ngoặt quan trọng

Giới chức y tế ở hầu hết quốc gia, trong đó nhiều nơi lần đầu tiên loại bỏ một số công cụ sắc bén nhất để đối phó với Omicron – ngay cả khi ca nhiễm tăng cao. Họ đang nới lỏng biện pháp chống dịch hơn bao giờ hết để giảm thiểu sự gián đoạn đối với nền kinh tế, giáo dục và cuộc sống hàng ngày.

Số liệu tử vong và nhập viện vẫn ở mức cao ở nhiều quốc gia. Tại một số nước, bệnh viện vẫn quá tải. Tuy nhiên, vaccine đã phát huy tác dụng, khiến Covid-19 ít gây chết người hơn.

Trong khi đó, các phương pháp điều trị đang hứa hẹn nhiều hơn về khả năng phục hồi cho những người nhiễm bệnh và các ca bệnh nặng.

Một điểm tiêm vaccine tăng cường ở Nhật Bản. Ảnh: AP.

Triển vọng tích cực đó, cùng với thực tế là các biện pháp ngăn chặn trước đây không hiệu quả đối với Omicron, đang thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách quyết định từ bỏ cách khống chế cũ.

Đây là bước ngoặt quan trọng trong khi đại dịch đang bước sang năm thứ ba.

Các cơ quan y tế công cộng từ lâu chủ trương làm phẳng các đường cong lây nhiễm và đặt trách nhiệm cá nhân vào giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và tiêm phòng. Giờ đây, biến chủng Omicron được coi là có khả lây truyền đến mức ngay cả những đợt phong tỏa khắc nghiệt nhất và gây thiệt hại nhất về mặt kinh tế cũng không thể ngăn chặn được virus.

Đánh giá đó buộc các quan chức y tế phải tính toán lại. Ông Teo Yik-Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Các chính phủ không muốn bị chỉ trích là chậm nới lỏng nữa”.

Trong khi đó, hàng triệu người đang bị lây bệnh. Các trường hợp thường ở mức nhẹ hoặc không có triệu chứng. Từ Nam Phi đến châu Âu và châu Á, hầu hết quốc gia đều ghi nhận tình trạng dịch có thể kiểm soát được về số ca nhập viện và tử vong.

Số ca nhiễm hàng ngày vẫn gia tăng nhưng ý nghĩa của những con số không còn như trước đây. Từ đó, nguyên tắc cũ về việc ca nhiễm càng nhiều sẽ càng cần thêm biện pháp hạn chế, cũng không còn nguyên vẹn hiệu lực.

Bà Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, nhận định: “Chúng ta hiểu rằng sẽ không thể loại bỏ virus này”.

Song, bà cho rằng các chính phủ ngày càng chấp nhận rằng Covid-19 sẽ cần được xử lý giống như các bệnh truyền nhiễm khác, tập trung vào điều trị bệnh nhân nhập viện, vì vaccine giúp ngăn chặn bệnh nặng.

Sẽ kiểm soát được đại dịch

Tiến sĩ Anthony Fauci – cố vấn y tế cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden – gần đây nói rằng mức độ tử vong và nhập viện liên quan tới Covid-19 ở Mỹ – phản ánh mức độ cẩn trọng, trong đó có yếu tố đeo khẩu trang – sẽ tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, tương lai đại dịch được kiểm soát đang trong tầm mắt, ông khẳng định.

Tiến sĩ Anthony Fauci – cố vấn y tế cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden – khẳng định đại dịch sẽ được kiểm soát. Ảnh: New York Times.

“Chúng ta sẽ đạt tới điều đó bởi đã có trong tay những công cụ cần thiết, với vaccine, mũi tiêm tăng cường, khẩu trang, xét nghiệm và thuốc kháng virus”, tiến sĩ Fauci nói.

Australia ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong trong tháng một hơn so với toàn bộ đại dịch. Trong các đợt bùng phát trước đây, nước này phong tỏa nghiêm ngặt đến mức một số công dân đã mắc kẹt ở nước ngoài hoặc phải đối mặt với các cuộc cách ly hai tuần khi trở về nhà.

Lần này, đất nước “chuột túi” đã không áp đặt các biện pháp như vậy.

“Chúng ta có hai sự lựa chọn ở đây: Vượt qua hoặc lại phong tỏa”, Thủ tướng Scott Morrison nói vào tháng một. “Chúng tôi đang cố gắng vượt qua”, ông khẳng định.

Thay đổi cách chống dịch

Các công cụ từng được sử dụng trước đó trong đại dịch, chẳng hạn như truy vết và các đợt tự cách ly dài, đang được bãi bỏ ở nhiều nước. Năm nhóm y tế công cộng gần đây tuyên bố họ ủng hộ việc loại bỏ điều tra ca nhiễm nCoV và truy vết tiếp xúc.

Những nhóm này, bao gồm Hiệp hội các quan chức y tế bang và vùng lãnh thổ cùng Hội đồng chuyên gia dịch tễ học của bang và vùng lãnh thổ, cho biết vaccine dồi dào và khả năng lây nhiễm của Omicron khiến phương pháp giám sát toàn diện trở nên kém tối ưu hơn. Thay vào đó, họ nói rằng các quan chức y tế nên tập trung vào các cuộc điều tra có mục tiêu ở các cơ sở có nguy cơ cao hơn phục vụ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe cũng đang thay đổi, không còn duy trì biện pháp cách ly nghiêm ngặt. ShiftMed, một nền tảng trực tuyến với hơn 60.000 người dùng cho phép nhân viên y tế Mỹ nhận ca mở tại các cơ sở y tế, cho biết nhiều y tá vẫn làm việc dù xét nghiệm dương tính với nCoV.

Theo kết quả cuộc khảo sát với 600 y tá, 33% nói rằng họ được yêu cầu làm việc mặc dù mắc Covid-19 không có triệu chứng. 37% cho biết họ được yêu cầu làm việc dù đã phơi nhiễm với Covid-19 do tiếp xúc gần. Khoảng 90% y tá được khảo sát đã tiêm phòng.

Tại Vương quốc Anh, nơi số ca vào đầu năm tăng gần gấp ba lần so với mức cao một năm trước đó, chính phủ cho phép các quán rượu, nhà hàng mở cửa và các sự kiện thể thao lớn được tổ chức với khán giả đông đảo.

Tỷ lệ ca nhiễm ở Anh không còn tương ứng với tỷ lệ tử vong từng ghi nhận ở các đợt bùng phát trước đây. Ảnh: SHUTTERSTOCK.

Tại nhiều khu vực ở Anh, cứ 10 người thì có một ca nhiễm vào đầu năm trước khi các ca nhiễm bắt đầu giảm. Mặc dù vậy, Văn phòng Thống kê Quốc gia gần đây ước tính 12% trẻ em trong độ tuổi 2-12 nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, tỷ lệ ca nhiễm này không tương ứng với tỷ lệ tử vong từng ghi nhận ở các đợt bùng phát trước đây. Số bệnh nhân ở giường thở máy sụt giảm trong tháng một. Vương quốc Anh đã dỡ bỏ tất cả hạn chế liên quan đến Covid-19.

Một trở ngại tiềm tàng ra đối với việc chuyển sang sống chung với Covid-19 là nguy cơ phát triển của một biến chủng khác gây bệnh nặng hơn hoặc né tránh tốt hơn khả năng miễn dịch của vaccine.

Nguy cơ xuất hiện biến chủng mới

Omicron có thể không phải chữ cái Hy Lạp cuối cùng của virus corona. Các bằng chứng ban đầu chỉ ra rằng một phiên bản mới của Omicron được gọi là BA. 2 lan truyền thậm chí còn nhanh hơn và đang vượt trội ở các quốc gia như Đan Mạch. BA. 2 đã lan tới khoảng 40 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Cho đến nay, không có bằng chứng cho thấy BA. 2 gây bệnh nặng hơn hoặc né tránh vaccine tốt hơn so với Omicron.

Ở Đan Mạch, nơi các nhà khoa học nói rằng BA. 2 có thể đã là biến chủng thống trị, chính phủ vẫn quyết định thực hiện bước đi giống những nước khác trên khắp châu Âu, đó là nới lỏng các biện pháp kiểm soát, dỡ bỏ hầu hết hạn chế bắt buộc vào ngày 1/2.

Tại Singapore, nơi các ca nhiễm gia tăng và dự kiến chưa có dấu hiệu đi xuống, khoảng 99,7% ca nhiễm trong những tuần gần đây không có triệu chứng hoặc nhẹ.

Các phương tiện truyền thông địa phương, dẫn ý kiến ​​từ giới chức y tế, tập trung vào số lượng bệnh nhân nhập viện hoặc cần chăm sóc đặc biệt hơn là làm nổi bật số ca bệnh hàng ngày. Trong số 5,7 triệu bệnh nhân ở đảo quốc sư tử, 13 người đang được điều trị trong các ICU.

Thực tiễn nói trên, cùng với tỷ lệ tiêm chủng gần 90% ở Singapore, đồng nghĩa với việc nước này không còn sử dụng đội quân truy vết để xác định và loại bỏ tất cả các đường lây truyền.

Những cư dân từng ủng hộ các hạn chế chặt chẽ, ngay cả khi các đợt bùng phát chỉ bằng một phần nhỏ so với quy mô ngày nay, đang cởi mở trong việc nới lỏng biện pháp chống dịch.

“Không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ tới giai đoạn đó”, Grace See, chuyên gia tuyển dụng 29 tuổi tại một công ty Singapore chia sẻ. “Chúng tôi đã đạt đến giai đoạn chấp nhận dịch bệnh”.

Tại Hàn Quốc, vào mùa thu năm ngoái, các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt nhất được áp dụng khi số ca lây nhiễm trung bình hàng ngày chỉ ở mức khoảng 2.000. Omicron đã phá vỡ các chỉ số đó. Hôm 30/1, Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục hơn 17.000 ca nhiễm trước thềm Tết Nguyên đán.

Dự kiến con số này có thể tăng gấp đôi vào những ngày Tết. Tuy nhiên, các quan chức y tế nước này cam kết không thắt chặt biện pháp chống dịch.

Không những vậy, các quy định còn được nới lỏng. Giới chức trách viện dẫn tỷ lệ tử vong và bệnh nặng tương đối thấp.

Họ cho phép các cuộc tụ tập nhóm 6 người, thay vì tối đa 4 người như trước đó. Ngoài ra, chính sách xét nghiệm diện rộng cũng được bãi bỏ. Thời gian cách ly được giảm bớt từ 10 ngày xuống còn 7 ngày đối với những cá nhân đã được tiêm vaccine Covid-19 và không biểu hiện triệu chứng nặng.

Người dân xếp hàng xét nghiệm Covid-19 ở Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Sohn Young Rae, một quan chức y tế cấp cao cho biết: “Giãn cách là biện pháp gây ra thiệt hại kinh tế xã hội lớn”.

Lee Yeon Jin, một nhân viên văn phòng 30 tuổi ở Seoul, cho rằng tất cả đã “quá đủ”. “Chúng tôi không còn giam mình trong nhà nữa vì hàng nghìn người đã nhiễm bệnh”, Lee nói.

Tại Nhật Bản, số ca hàng ngày vào khoảng 100 vào đầu tháng 12/2021, nhưng Omicron đẩy số bệnh nhân tăng vọt lên hơn 80.000 trong tuần qua.

Bất chấp những con số, Nhật Bản đã nới lỏng một số quy tắc. Các bác sĩ và y tá được phép tiếp tục làm việc ngay cả khi tiếp xúc gần với người nhiễm, miễn là xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Chính phủ đã bãi bỏ chính sách nhập viện đối với tất cả bệnh nhân dương tính với Omicron, cho phép những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc nhẹ, trẻ tuổi và ít nguy cơ được phục hồi tại nhà.

“Điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề này theo cách giúp cho xã hội và nền kinh tế có thể tiếp tục hoạt động”, phát ngôn viên chính phủ Hirokazu Matsuno cho biết hôm 27/1.

Hong Kong, dưới áp lực của các tổ chức kinh doanh quốc tế, tuần trước đã rút ngắn yêu cầu kiểm dịch lâu nhất trên thế giới đối với khách du lịch từ 3 tuần xuống còn 2 tuần.

Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, cho biết một số biện pháp y tế công cộng vẫn sẽ cần thiết ở nhiều nơi để mọi người có thời gian tiêm mũi tăng cường và các bệnh viện bớt sức ép.

“Vài tháng tới sẽ có nhiều thách thức vì Omicron, nhưng việc phong tỏa không còn hợp lý nữa”, ông khẳng định.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều