Biến thể nCoV gây thảm họa y tế ở Brazil
BrazilBiến thể nCoV mới tên P.1 đang khiến giới khoa học lo lắng về tốc độ lây nhiễm, khả năng gây bệnh nặng và lẩn trốn vaccine.
Biến thể P.1 được phát hiện lần đầu ở hai du khách Nhật Bản đến Amazon vào đầu tháng 1 và đã lan ra 7 quốc gia. Các nhà khoa học lo ngại tốc độ lây lan nhanh hơn và khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch của biến thể khiến nhiều người tái nhiễm.
Trong khi nghiên cứu về biến thể mới vẫn ở giai đoạn đầu, các nhà dịch tễ học cho rằng P.1 là thủ phạm khiến số ca mắc Covid-19 tăng gấp 4 lần trong tháng qua ở Manaus. Ngoài ra, nó cũng có thể là nguyên nhân làm tăng số người trẻ rơi vào tình trạng nghiêm trọng.
Đất nước lớn nhất Nam Mỹ có nguy cơ trở thành ổ dịch của những biến thể virus nguy hiểm nhất, theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Virus càng lan rộng, càng có cơ hội đột biến, có thể lây truyền nhanh hơn, thậm chí qua mặt vaccine.
“Brazil có điều kiện lý tưởng để virus sinh sôi và biến đổi. Ở đây không có lệnh phong toả, nhiều người chống đối giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang”, nhà nghiên cứu Ana Tereza Vasconcelos làm việc tại phòng thí nghiệm của chính phủ LNCC tại Rio de Janeiro, nói.
Biến thể P.1 gây ra 52,2% số ca nhiễm mới trong thành phố Manaus vào tháng 12/2020, theo nghiên cứu của Nuno Faria, giáo sư virus học tại Đại học Oxford và Imperial College London. Tới tháng 1, 85,4% ca mắc Covid-19 có chủng virus này. Ước tính khoảng 100 người chết mỗi ngày, theo thống kê của chính phủ. Hơn 30 người đã chết ngạt vì bệnh viện cạn kiệt nguồn oxy.
Tại nước láng giềng Peru, trước tình hình số ca tử vong tăng lên, chính phủ cấm những chuyến bay từ Brazil. Colombia cũng cắt giảm các chuyến bay từ thành phố Leticia, giáp danh với Brazil, đến thủ đô Bogotá.
Brazil ghi nhận hơn 220.000 người thiệt mạng do Covid-19, xếp thứ hai thế giới, sau Mỹ. Một số nhà nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng cho rằng chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro đã hành động quá chậm trong việc mua vaccine và nên tập trung nỗ lực dập dịch, thay vì quảng bá các phương pháp điều trị gây tranh cãi như thuốc trị sốt rét chloroquine.
Chính phủ Brazil mới chỉ mua được vaccine cho 6 triệu người, không đủ để bảo vệ tất cả các nhân viên y tế, chưa nói tới nhóm người cao tuổi gồm hơn 210 triệu dân. Trong khi, nước này từng là phòng thí nghiệm toàn cầu cho cuộc đua vaccine Covid-19 với sự hiện diện của các trung tâm nghiên cứu uy tín và một hệ thống y tế công cộng có kinh nghiệm trong sản xuất và phân phối vaccine.
Margareth Dalcolmo, nhà nghiên cứu hàng đầu của Tổ chức Oswaldo Cruz chuyên điều tra các vấn đề y tế công, đã bật khóc trong một lễ trao giải. Bà không thể chấp nhận việc chính phủ Brazil thất bại trong đàm phán với các nhà sản xuất vaccine. Bà cho rằng giới lãnh đạo quá chậm chân trong cuộc mua bán. “Họ đáng nhẽ phải mua vaccine từ sáu tháng trước đây”, bà nói.
Manaus là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Brazil trong làn sóng Covid-19 thứ nhất từ tháng 4-7/2020. Một số nhà khoa học cho rằng thành phố đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng mọi niềm tin sụp đổ trước đợt bùng phát mới. Giải thích cho việc này, các chuyên gia cho rằng, biến thể P.1 chứa đột biến E484K, có khả năng lẩn trốn các kháng thể trung hòa, khiến người dân tái nhiễm.
Ngoài Amazonas, São Paulo là bang duy nhất ghi nhận ca nhiễm biến thể này. Song, giới nghiên cứu cho rằng P.1 đã lan khắp đất nước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 24/1, P.1 đã xuất hiện ở nhiều Mỹ, Italy, Đức, Anh, Ireland, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lo ngại biến thể lan ra toàn cầu, Anh cấm du khách từ Nam Mỹ trong tháng 1.
Các nhà khoa học đang chạy đua để tìm hiểu biến thể mới. “Chúng tôi nhận thấy nhiều ca nặng hơn và nhiều trường hợp là bệnh nhân trẻ tuổi”, Flávia Lenzi, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ ở bang Rondônia, nói. Gần đây, tại cộng đồng người Ấn Độ Yanomami ở bang Roraima, 9 trẻ em đã tử vong do Covid-19. Bộ Y tế đang điều tra các trường hợp và chưa đưa ra kết luận về mối liên hệ với biến thể mới.
Thiếu dữ liệu về mã di truyền của virus trong đợt dịch đầu tiên khiến Brazil khó theo dõi các biến thể hơn những nước như Anh. Theo Felipe Naveca, nhà nghiên cứu của Tổ chức Oswaldo Cruz, quản lý yếu kém là nguyên nhân cơ bản gây ra cuộc khủng hoảng y tế tại Brazil. Những bữa tiệc và buổi tụ họp gia đình trong kỳ nghỉ lễ khiến số ca nhiễm tăng vọt.
Mai Dung (Theo Wall Street Journal)