Biến thể Delta tràn qua ‘phòng tuyến’ vaccine tại Anh
Dù tiêm chủng bước đầu thành công, Anh hiện chứng kiến số ca nhiễm biến thể Delta từ Ấn Độ gia tăng, nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.
Với 4.000 đến 6.000 trường hợp mắc Covid-19 mỗi ngày trong 10 ngày qua, số ca nhiễm nCoV tại Anh đang cao gần bằng mức của tháng 3. Biến thể Delta, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, lây lan nhanh hơn và hiện chiếm ưu thế ở Anh.
Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học tại Đại học Queen Mary ở London, cho biết: “Chiến lược của Anh chỉ dựa vào vaccine. Chúng tôi đã để lọt một biến thể dễ lây truyền hơn và có thể lẩn trốn miễn dịch”, bà nói, đồng thời chỉ trích việc không áp dụng các biện pháp chống dịch khác như đeo khẩu trang trong trường học.
Mặc khác, năm ngoái, Anh quyết định lùi lịch tiêm liều vaccine thứ hai để tiêm liều đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt. Điều này giúp đất nước vượt qua đợt bùng phát mùa đông, song cũng dễ khiến biến thể Delta tràn vào.
Tuần trước, giới chức y tế cho biết đã có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy vaccine giảm hiệu quả với biến thể mới, biểu hiện rõ nhất ở những người mới tiêm một liều. Cụ thể, báo cáo ngày 23/5 của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho thấy, một liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca chỉ có hiệu quả khoảng 34% với biến thể từ Ấn Độ.
Dữ liệu sơ bộ ở Bolton, một điểm nóng Covid-19 ở Tây Bắc nước Anh, cho thấy hầu hết người nhập viện do nhiễm biến thể Delta đều chưa được tiêm phòng. Khoảng 5 trong số 18 người nhiễm biến thể này được tiêm một liều vaccine và chỉ một người được tiêm đầy đủ.
Sau đợt phong tỏa nghiêm ngặt suốt mùa đông, chính phủ Anh bắt đầu nới lỏng quy định vào tháng 3, dự kiến dỡ bỏ tất cả các hạn chế vào ngày 21/6. Tuy nhiên, giới khoa học sôi nổi hiện tranh luận liệu có nên gỡ phong tỏa ngày 21/6 tới hay không.
Một số người lập luận chi phí kinh tế phải bỏ ra nếu hoãn mở cửa vài tuần vẫn nhỏ hơn nhiều so với thiệt hại mà biến thể Delta sẽ gây ra (nếu lây lan ồ ạt trước khi đất nước có miễn dịch cộng đồng). Các quan chức cấp cao cũng cho biết chính phủ đang theo dõi số ca nhiễm và có thể lỡ kế hoạch mở cửa hoàn toàn.
“Đây là những phán đoán dựa trên dữ liệu không chắc chắn. Chúng tôi phải đối mặt với quyết định khó khăn trước ngày 21/6, nhưng quyết định đó sẽ trở nên dễ dàng hơn và có thể thực hiện được nhờ chương trình tiêm chủng”, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói với Quốc hội, hôm 8/6.
Việc trì hoãn thời điểm mở cửa trên sẽ giúp nhiều người có thêm thời gian tiêm liều vaccine thứ hai. Khoảng 3/4 người trưởng thành ở Anh đã được tiêm ít nhất một liều và hơn 40% đã tiêm đủ. Giới chức cho biết hai liều vaccine có khả năng ngăn ngừa biến thể mới và khuyến khích người dân hoàn thành liệu trình.
Tính đến ngày 8/6, 879 người phải nhập viện do Covid-19, cao hơn mức 730 người vào tháng 5. Các chuyên gia cho rằng đợt dịch lần này không thảm khốc như hồi tháng 12 và tháng 1. Song, họ lo ngại số ca nhiễm tiếp tục tăng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi chưa được tiêm vaccine. Vaccine hiện được sử dụng cho người trên 25 tuổi.
Các chuyên gia khác như Gurdasani lo ngại nếu không nỗ lực giảm các trường hợp mắc Covid-19 xuống gần 0, các biến thể trong tương lai sẽ cản trở kế hoạch dỡ bỏ hạn chế.
“Chúng ta cần kiểm soát đại dịch nếu muốn trở lại cuộc sống bình thường. Bằng không, ta sẽ mắc kẹt với Covid-19 trong nhiều năm. Ta cần chuyển từ sống chung với virus sang loại bỏ virus cùng với chương trình vaccine”, bà nói.
Anh không đơn độc trong việc khuyến khích người dân tiêm hai liều vaccine. Ngày 8/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cảnh báo về sự lây lan của biến thể Delta ở Anh và kêu gọi người trẻ tiêm phòng.
“Nếu bạn còn trẻ và chưa tiêm phòng, đây là lúc để làm việc đó. Tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người bạn yêu thương”, ông Biden viết trên Twitter.
Các nhà khoa học Anh dự đoán, ngay cả khi áp dụng các biện pháp phòng ngừa, biến thể Delta sẽ tiếp tục lây lan trong nước và trên toàn thế giới. Jeff Barrett, giám đốc Sáng kiến Gene Covid-19 tại Viện Wellcome Sanger, cho biết: “Tôi nghĩ các quốc gia khác cũng sẽ đối mặt với chủng Delta và nó có khả năng lan rộng ra toàn cầu theo thời gian. Dữ liệu tại Mỹ cho thấy biến thể này đang gia tăng”.
Tại Mỹ, biến thể Delta hiện chiếm hơn 6% các ca nhiễm, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, cho biết, trong cuộc họp báo ngày 8/6. Trước độ phổ biến của biến thể này ở Anh, ông Fauci nói: “Chúng ta không thể để điều đó xảy ra ở Mỹ. Tiêm phòng là giải pháp mạnh mẽ. Nếu bạn đã tiêm liều đầu tiên, hãy tiêm liều thứ hai”.
Mai Dung (Theo NBC News)