‘Biến số’ Covid-19 trong bài toán phát triển của Việt Nam
Covid-19 được ví như “biến số” khó đoán nhưng ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội. Hầu hết dự thảo văn kiện của các địa phương chưa đề cập biến số này trong bài toán phát triển.
Ông Nguyễn Quý Sơn sở hữu một công ty sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức (TP.HCM). Khu vực Thủ Đức, Dĩ An kéo dài tới huyện Tân Uyên (Bình Dương) là vùng sản xuất đồ gỗ lớn nhất cả nước. Ngành công nghiệp này năm ngoái đem về cho Việt Nam 11,7 tỷ USD doanh thu xuất khẩu.
Trung bình các năm trước, ông Sơn xuất khẩu 12-15 triệu USD tiền hàng (khoảng 260-330 tỷ đồng) đi Mỹ, EU, Trung Đông… Tuy nhiên, từ đầu năm nay, dịch Covid-19 ập đến khiến đơn hàng giảm mạnh, công ty chỉ xuất được 6 container với giá bán dưới giá thành sản xuất. Công nhân phải làm việc cầm chừng, ông Sơn đau đầu tìm cách cân đối tài chính.
Công ty của ông Sơn chỉ là một trong hàng nghìn doanh nghiệp tại quận Thủ Đức gặp khó khăn chưa từng thấy do ảnh hưởng của Covid-19. GRDP của quận này trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,48%, giảm một nửa so với năm ngoái. Không chỉ đồ gỗ, nhiều lĩnh vực công nghiệp trọng điểm như điện tử, dệt may, da giày… đều sụt giảm.
Tuy vậy, trong báo cáo chính trị dự kiến trình đại hội Đảng bộ quận Thủ Đức sắp diễn ra, những ảnh hưởng của dịch Covid-19 chỉ được điểm qua và vẫn trong tình trạng cân lên đặt xuống về mức độ, liều lượng.
Tại nhiều quận, huyện khác của TP.HCM, dù đã tổ chức đại hội đảng bộ, việc đánh giá tác động và giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 gần như chưa được nêu ra hoặc chỉ điểm qua.
Nhiều chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 như một “biến số” phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế – xã hội không chỉ trong năm 2020 mà còn các năm tiếp theo. Việc nhận diện “biến số”, đưa ra các dự báo, kịch bản ứng phó để vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch là điều rất quan trọng lúc này, khi các địa phương đang xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ, trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tới.
“Kịch bản tăng trưởng” được coi là một trong những dấu ấn đặc biệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Sau khi Quốc hội giao chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết 01 vào ngày đầu năm để tạo cơ sở hiện thực hóa.
Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ KHĐT sau khi tham mưu xây dựng nghị quyết 01 thì phải đi kèm kịch bản tăng trưởng cho từng quý, từng giai đoạn, của từng lĩnh vực… phục vụ chỉ đạo điều hành. Chính phủ chỉ cần nhìn kịch bản và đối chiếu số liệu là có thể theo dõi, so sánh và giám sát để đạt được kết quả cuối năm.
Nếu nhìn vào “sự tiến hóa” của nghị quyết 01 trong 5 năm qua sẽ thấy được sự thay đổi rất lớn và sự thành công của Chính phủ trong việc xây dựng kịch bản tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nhớ lại năm 2017, kịch bản tăng trưởng lần đầu được xây dựng khi ông còn là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Bộ KHĐT) và chưa được coi là văn bản chính thức. Đến năm 2019, kịch bản tăng trưởng lần đầu đã được ghi vào nghị quyết 01.
Ông Phương cho biết năm 2020 kịch bản tăng trưởng được xây dựng rất chi tiết, Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,8-7%. Quý I đặt mục tiêu tăng 6,52-6,77%, quý II đạt 6,65-6,87%… Ngành công nghiệp xây dựng được dự báo tăng 7,9-9,3% trong các quý để đạt 8,5% cả năm…
Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến khiến mọi dự tính từ đầu năm thay đổi liên tục. Cuối tháng 1, Việt Nam có ca bệnh đầu tiên sau khi dịch bùng phát tại Trung Quốc. Chính phủ liên tục đưa ra các biện pháp để chống dịch như kiểm soát giao thương với Trung Quốc, dừng một số đường bay, ngừng đón khách quốc tế, cho học sinh nghỉ học… Những quyết định này ngay lập tức gây tác động đến kinh tế.
Chỉ 42 ngày sau khi ban hành Nghị quyết 01/2020, ngày 12/2, Bộ KHĐT đã trình Chính phủ dự báo 2 kịch bản tăng trưởng mới do ảnh hưởng của “biến số” Covid-19. Bộ này nhận định dịch bệnh ảnh hưởng toàn diện đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và rất khó đạt được mục tiêu 6,8%.
Kịch bản khi đó đưa ra nếu dịch được khống chế trong quý I, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,25% (giảm 0,55 điểm %). Nếu dịch được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 5,96%.
Tuy nhiên, “biến số” Covid-19 lại diễn biến phức tạp hơn trong các tháng tiếp theo, khiến dự báo đưa ra hồi tháng 2 không còn chính xác. Đến giữa năm, dịch đã lan đến hơn 200 quốc gia, những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề.
Sau khi bỏ giãn các xã hội vào cuối tháng 4, ngày 15/5, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Thủ tướng trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự báo về 2 kịch bản tăng trưởng mới. Lúc này Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch và tiến hành phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng lại phụ thuộc nhiều vào việc các đối tác của Việt Nam chống dịch ra sao.
Kịch bản thứ nhất, Việt Nam khống chế được dịch từ nửa cuối tháng 4, đồng thời các quốc gia là đối tác quan trọng khống chế dịch trong quý III, thị trường quốc tế phục hồi tốt thì GDP có thể tăng 4,4-5,2% và phấn đấu đạt 5,4%.
Kịch bản thứ hai, nếu các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế dịch trong quý IV thì dự kiến GDP chỉ tăng 3,6-4,4%.
Tuy nhiên vào lúc này, 2 kịch bản trên cũng có thể đã lỗi thời khi một làn sóng Covid-19 mới đã quay trở lại từ cuối tháng 7 với “tâm dịch” là Đà Nẵng.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng dịch Covid-19 sẽ còn phức tạp hơn nữa và chưa biết khi nào mới kết thúc. Việc khống chế phục thuộc nhiều vào tốc độ sản xuất vaccine.
Ông nhấn mạnh dịch Covid-19 như một “biến số” khó lường, tác động đến “phương trình” tăng trưởng của Việt Nam không chỉ trong năm 2020 mà còn các năm tiếp theo.
Hiện tại, các địa phương trên cả nước xây dựng dự thảo văn kiện đại hội Đảng, có kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, thì phải tính đến “biến số” này.
“Báo cáo chính trị rất quan trọng, phải tính đến các tác động của dịch Covid-19. Sau đó đưa ra các kịch bản khác nhau, để khi thực hiện có sự chủ động hơn”, ông Tuấn nói.
Hà Nội hiện có 286.000 doanh nghiệp, trong số này, chiếm 98,5% là doanh nghiệp thuộc loại nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Khi lấy ý kiến văn kiện đại hội Đảng bộ sắp tới, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức riêng một hội nghị để tham vấn khối kinh tế quan trọng này.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nhớ lại khi đó bản thân rất nóng lòng đề xuất nên có đánh giá các tác động của dịch Covid-19. Dành nhiều thời gian nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ Hà Nội, ông Quốc Anh sốt ruột khi chưa thấy đề cập đến các tác động của Covid-19, trong khi dịch diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội.
“Việc văn kiện nhận diện được bối cảnh thực tiễn sẽ giúp đề ra các giải pháp trong 1-3 năm tới, cũng là nửa đầu của nhiệm kỳ. Từ văn kiện, các chính sách sẽ đi vào cuộc sống và giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn”, ông nói.
Tương tự, tại dự thảo văn kiện trình đại hội đảng bộ TP.HCM được đưa ra lấy ý kiến từ đầu tháng 6, “Covid-19” hầu như không được nhắc đến. Trong khi 6 tháng đầu năm, TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, tăng trưởng GRDP chỉ đạt 1,02% và dự kiến còn khó khăn kéo dài.
Nhiều quận huyện đã tổ chức đại hội của TP.HCM như Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 2, quận 11… cũng gần như không nhắc đến “biến số” Covid-19, hoặc có nhắc đến thì rất hạn chế.
Tại Hà Nội, trong khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai, nhiều đại hội đảng bộ các chuyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên… được tổ chức vào trung tuần tháng 8. Điểm chung là văn kiện không đánh giá tác động kinh tế – xã hội mà dịch Covid-19 mang đến.
Trong khi các doanh nghiệp thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, báo cáo chính trị của đảng bộ khối doanh nghiệp Hà Nội cũng chỉ nhắc đến cụm “Covid-19” 2 lần, lần một nói về việc phòng dịch, lần 2 là một dòng ngắn về tác động.
GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, kể rằng ông đã đọc dự thảo báo cáo chính trị của một số địa phương và thấy cách xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong 5 năm tới, chiến lược 10 năm vẫn mang sắc thái truyền thống. Báo cáo nào cũng bắt đầu bằng câu “tình hình thế giới ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường”, nhưng cụm từ ấy được thể hiện cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tới thì chưa rõ.
“Tôi thấy rằng báo cáo chính trị ở các địa phương cần tính toán một cách đầy đủ hơn bối cảnh hiện tại, nhất là khi chúng ta đang trải qua nhiều thách thức do dịch Covid-19 mang đến”, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nói.
PGS.TS Bùi Tất Thắng, Chánh văn phòng Tổ biên tập Văn kiện Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII, cho rằng nhiều dự thảo văn kiện được xây dựng từ cuối năm 2019. Khi đó, dịch Covid-19 chưa xảy ra, nên chưa tính được yếu tố này trong bối cảnh, tình hình.
Ông ủng hộ việc báo cáo chính trị cần làm rõ hơn bối cảnh hiện tại, nhất là dịch Covid-19 gây ra cuộc “khủng hoảng kép” y tế và kinh tế lớn nhất trong lịch sử phát triển của kinh tế hiện đại (đầu thế kỷ XX đến nay), tác động to lớn đến sự phát triển năm 2020 và cả đầu nhiệm kỳ tới.
Thế nhưng, trong đại dịch Covid-19, chính tỷ trọng dịch vụ lớn đã kéo tăng trưởng của thành phố biển này xuống mức gây sốc. Lần đầu tiên trong lịch sử từ khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 1997, chỉ số GRDP của Đà Nẵng ở mức âm (-3.61%). Trong khi đó, kế hoạch đặt ra từ đầu nhiệm kỳ của Đà Nẵng là duy trì mức tăng trưởng 8.5-9%/năm.
Một lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng cho rằng cần xem lại cơ cấu kinh tế, để cân bằng hơn. Ngành dịch vụ vẫn chiếm chủ đạo nhưng nên đưa về mức 60%. Đà Nẵng cần phát triển thêm công nghiệp và nông nghiệp để làm “trụ đỡ” cho kinh tế.
Ở một số địa phương khác, đã có những đề xuất thay đổi chiến lược, kế hoạch phát triển sao cho phù hợp với “biến số” Covid-19. Tại TP.HCM, đã có ý kiến đề xuất đưa ra nhiều kịch bản tăng trưởng cho năm 2021, với mức cao là 8,5%, mức trung bình 8% và mức thấp 7% tùy vào tình hình dịch bệnh.
Tại Hà Nội, trong dự thảo lần thứ tư báo cáo chính trị trình đại hội sắp tới (hoàn thiện ngày 13/7), biến số Covid-19 đã được nhắc đến nhiều hơn. Dự thảo nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục tác động rất mạnh đến hầu hết lĩnh vực kinh tế – xã hội của thủ đô; nhất là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thu chi ngân sách, đầu tư và thương mại.
Đáng chú ý, trong phần phương hướng nhiệm vụ, dự thảo đề ra các giải pháp khắc phục thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng văn kiện phải xác định nhiệm vụ của đầu nhiệm kỳ tới là khá nặng nề. Nhiệm vụ đầu tiên là phục hồi kinh tế, trong bối cảnh tăng trưởng sẽ đạt thấp.
Ông cũng nhấn mạnh kế hoạch phát triển cũng cần tìm ra bài toán huy động nguồn lực để phục hồi kinh tế. TS Cung nhấn mạnh chắc chắn vấn đề cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải làm nhanh hơn nhiều so với tốc độ hiện tại.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng từng cho rằng thế giới sẽ biến đổi rất nhanh sau dịch Covid-19 với quy chuẩn, quy định, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực. Bộ trưởng Dũng cũng là Tổ trưởng Tổ biên tập Văn kiện Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII. Ông nhấn mạnh các thách thức và cả thời cơ sẽ được nhận diện để Việt Nam đi đúng hướng.
Trở lại câu chuyện tại Thủ Đức, là một người kinh doanh lâu năm, ông Nguyễn Quý Sơn cho rằng dịch Covid-19 dù có phức tạp thế nào, khó đoán ra sao thì vẫn sẽ kết thúc. Sau đó, kinh tế sẽ phục hồi và ngành gỗ sẽ có tương lai đầy hứa hẹn. Đặc biệt khi Việt Nam và EU mới thực thi Hiệp định EVFTA, mở ra cơ hội lớn.
Tuy nhiên, ông Sơn quan tâm nhất là duy trì được việc làm cho hàng trăm công nhân của mình đến khi hết dịch. Ông mong muốn có các chính sách trong hiện tại và các năm tiếp theo để giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, không bị “gãy đổ”. Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ cầm cự để sau dịch kết thúc sẽ phục hồi nhanh.
“Tương lai dù thế nào thì chắc chắn vẫn sẽ có thời cơ. Ở tầm doanh nghiệp hay tầm vĩ mô, tôi nghĩ đều phải tính toán rất kỹ mọi vấn đề để có giải pháp tốt nhất”, ông Sơn chia sẻ.
Hiếu Công/ZN