+
Aa
-
like
comment

Biến “phản cảm” thành nguồn lợi từ Mã Pì Lèng

15/10/2019 17:22

Nếu công trình xây dựng mới trên đỉnh Mã Pì Lèng, tỉnh Hà Giang có tên là Mã Pì Lèng Panorama không ảnh hưởng nhiều thì có thể sửa chữa cho hài hòa với cảnh quan xung quanh và nhất là phù hợp với văn hóa bản địa, ví dụ như về màu sắc, về kiến trúc, đặc biệt là về hình thức mái nhà… và nên giữ lại.

2

Quan điểm này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng với tôi, bằng trải nghiệm thực tế cuối tuần qua tại di sản được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, thì đây là một quan điểm đúng đắn. Và nếu có bàn tay của kiến trúc sư với trách nhiệm cộng đồng sẽ giúp cho danh thắng Mã Pì Lèng đến gần hơn với mọi người. Bởi nói thực, di sản của chúng ta thì có nhiều, thậm chí rất nhiều, nhưng điều kiện hạ tầng để mời gọi du khách thì lại tỷ lệ nghịch với giá trị di sản, khách đến rồi không biết nghỉ ở đâu. 

Đèo Mã Pì Lèng là đoạn Quốc lộ 4C dài khoảng 20km nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, cao 2.000m. Đây cũng là con đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, một bên là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho Quế. Chính khung cảnh núi đồi trập trùng và dòng sông Nho Quế dưới vực xanh thẳm đã tạo nên không gian thoáng đãng, hút tầm mắt dù ở bất cứ mùa nào trong năm cho khu vực đèo Mã Pì Lèng. Và tất nhiên, không du khách nào khi lên đến đỉnh đèo Mã Pì Lèng mà không chụp một tấm ảnh lưu niệm.

Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng nêu rõ là chuyên gia của Ban điều phối mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã khuyến cáo tỉnh nên xây dựng một điểm dừng chân phục vụ du khách tại khu vực Mã Pì Lèng (khu vực xây dựng tòa nhà không phép)… Thực tế cho thấy, hạ tầng du lịch là một nhu cầu có thực, thậm chí là nhu cầu cấp bách đối với các danh thắng ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta, trong đó có khu vực Đồng Văn – Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Thay vì cứ phóng xe vèo vèo “cưỡi ngựa xem di sản”, nếu có những điểm dừng chân hợp lý, nhất là lại được trải nghiệm một đêm ở Đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng chắc cũng là điều mà du khách ước ao. Nhưng rất tiếc, chính quyền tỉnh Hà Giang mới chỉ kịp khảo sát, giao nhiệm vụ chứ chưa có một kế hoạch, quy hoạch cụ thể để biến khuyến cáo của chuyên gia quốc tế thành hiện thực. Ở một khía cạnh nào đó cũng có thể thấy, người dân đã “nhạy bén” nắm bắt xu hướng và nhanh chóng xây dựng một công trình đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước, quốc tế, mặc dù trong tay chưa có bất cứ giấy phép nào từ phía cơ quan chức năng. Giá như chính quyền địa phương làm đúng quy trình hơn, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng để khai thác phát triển du lịch một cách bền vững vừa hiệu quả vừa thượng tôn pháp luật, sự việc đã không ầm ĩ.

Tôi đã đến và trải nghiệm với cuộc sống người dân bản địa nghèo khó (thu nhập bình quân đầu người huyện Mèo Vạc hiện chưa tới 20 triệu đồng/người/năm, chưa bằng một nửa thu nhập bình quân cả nước), tham quan thực tế ngọn đèo và thấy rằng những người có trách nhiệm cần phải làm gì đó cho Mã Pì Lèng chứ không thể để nguyên trạng như bấy lâu nay đơn độc hoang sơ chưa có cơ hội phát huy hết giá trị.

Do vậy, chính quyền tỉnh Hà Giang cấp thiết cần phải có một quy hoạch tổng thể, cụ thể, chi tiết ở các cấp để đảm bảo hài hòa, phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho người dân địa phương, đáp ứng nhu cầu của du khách mỗi khi đến đây. Việc khai thác, phát triển theo quy hoạch sẽ tránh được tình trạng người dân làm theo ý muốn chủ quan, dẫn đến vi phạm pháp luật, còn cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương cũng không phải “đau đầu, chóng mặt” giải quyết hậu quả…

Phố cổ Hội An (Quảng Nam) được UNESCO đánh giá “như một hình mẫu” truyền cảm hứng bảo tồn cho thế giới trong việc kết hợp chính sách với quy chế riêng, nhằm gắn chặt quyền lợi của người dân vào sự tồn tại của di sản. Trong khi Hội An được xem là điển hình trong việc hài hòa giữa bảo tồn – phát triển, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng chọn bảo tồn, lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển và đang trở thành điểm đến thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm.

Đúng là phát triển di sản nếu nghiêng về bảo tồn một cách thuần túy, khư khư ôm lấy di sản thì sẽ khó mà phát huy được giá trị của di sản; và một khi không phát huy được thì cũng khó lấy gì để bảo tồn. Ngược lại, nếu phát triển mà không chú ý đến bảo tồn thì sẽ phá vỡ, đánh mất giá trị di sản và di sản trước sau gì cũng mất.

Với Mã Pì Lèng Panorama, lúc này chúng ta cần có cái nhìn rất bình tĩnh, đánh giá đúng mức. Không nên đẩy những vấn đề cho một chủ đầu tư mà các cơ quan chức năng Hà Giang, giới kiến trúc sư cần vào cuộc. Có nhiều phương án kiến trúc tạo điểm nhìn hài hoà với cảnh quan du lịch. Vấn đề quan trọng là phải làm sao để không ảnh hưởng nhiều đến di sản, càng không được phá vỡ di sản. Bên cạnh đó, việc xử lý cũng phải đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật, chỗ nào sai phải dứt khoát sửa.

Chính sách của UNESCO về di sản thế giới và phát triển bền vững năm 2015 – một chính sách quốc tế mà Việt Nam đã góp phần xây dựng, một nguyên tắc cơ bản không đổi là các mục tiêu và hoạt động phát triển không được làm mai một hay suy giảm các giá trị nổi bật của di sản. Vì vậy tỉnh Hà Giang cần xây dựng, tổ chức lấy ý kiến và quy hoạch phát triển du lịch Mã Pì Lèng với các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đo lường được về chất lượng và tính bền vững, chứ không chỉ đơn thuần gói gọn trong các mục tiêu, chỉ tiêu về số lượng khách du lịch và doanh thu. Nếu tiếp tục đơn thuần dựa trên các mục tiêu, chỉ tiêu về doanh số và doanh thu, sẽ dẫn đến nguy cơ ra đời hàng loạt cơ sở hạ tầng để tăng lượt khách, coi nhẹ việc đánh giá tác động với di sản, văn hóa địa phương, sức chịu tải của khu di sản và hệ quả là gây ảnh hưởng tới tính nguyên vẹn của di sản.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều