+
Aa
-
like
comment

Biển Đông: Trung Quốc coi thường luật, các nước cùng hành động

20/08/2019 16:38

Trung Quốc đang gây quan ngại rất lớn cho cộng đồng quốc tế nói chung và các nước có lợi ích ở Biển Đông nói riêng khi liên tiếp có những động thái coi thường luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước khác và gây hấn với các nước có tranh chấp trong khu vực.

Tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông
Tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông

Những hành động của Trung Quốc đã leo thang đến mức các nước đồng loạt phải hành động. Việt Nam, Malaysia đều có những bước đi phản đối hành động của Trung Quốc. Ngay cả Philippines – nước lâu nay vẫn chủ trường làm hòa với Trung Quốc, cũng đã phải lên tiếng. Trong khi đó, Mỹ cho thấy quyết tâm duy trì chiến dịch tự do hàng hải, tự do bay qua bầu trời khu vực Biển Đông.

Diễn biến căng thẳng ở Biển Đông

Sau một thời gian dài tiến hành các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, gần đây, Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông như triển khai vũ khí, tên lửa đến các khu vực có tranh chấp đồng thời tăng cường các cuộc tập trận, bắn tên lửa ở những nơi này. Loạt hành động này của Trung Quốc đương nhiên gây lo ngại và bất bình rất lớn không chỉ với các nước trong khu vực mà với cả cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa dừng lại ở đó. Trong những tháng gần đây nhất, Trung Quốc bắt đầu có những hành động gây hấn với các nước có tranh chấp ở Biển Đông và đi xa hơn nữa là xâm phạm hẳn vào các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác. Cụ thể, hồi tháng Sáu, ở Philippines đã nổi lên một làn sóng phẫn nộ khi tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá của Philippines và bỏ mặc số phận của các ngư dân Philippines trên con tàu đang chìm dần.

Theo lời tố cáo của phía Philippines, một tàu của Trung Quốc đã đâm vào một con tàu đang neo đậu của họ vào đêm ngày 9/6. Sau khi đâm tàu của Philippines, Trung Quốc đã bỏ mặc các ngư dân của Philippines khi con tàu đang chìm dần ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Rất may, con tàu này cùng các ngư dân trên tàu đã được tàu của Việt Nam cứu giúp và thoát nạn.

Sau vụ việc, Manila đã lên án kịch liệt hành động của phía Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó hồi đáp lại rằng tàu của họ chỉ vô tình đâm vào tàu của Philippines khi nó đang cố gắng luồn lách đi qua khu vực bị “bao vây” bởi rất nhiều tàu của Philippines. Phía Trung Quốc cũng nói thêm rằng, thuyền trưởng tàu của họ đã cố gắng tìm cách cứu các ngư dân của Philippines nhưng sợ bị bao vây bởi các con tàu khác.

Sau vụ việc với Philippines, Trung Quốc tiếp tục gây bất bình bằng hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hồi tháng Bảy đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Sau khi rút đi một thời gian, ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Cả hai lần nhóm tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam đều phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.

Trung Quốc cũng khiến Philippines tức giận khi các tàu chiến và tàu khảo sát của Trung Quốc đi lại tự do trong vùng biển của Philippines như đi trong “ao nhà”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mới đây đã yêu cầu Bắc Kinh giải thích về hành động của các tàu khảo sát và tàu chiến khi đi qua vùng biển của Philippines, cáo buộc Trung Quốc có hành vi “dọa dẫm, bắt nạt” Philippines.

Theo ông Lorenzana, Trung Quốc đã không xin phép Philippines khi để cho các tàu chiến của họ đi lại tự do qua Eo biển Sibutu ở đầu phía nam của quần đảo Philippines 4 lần trong giai đoạn từ tháng Hai đến tháng Bảy. Ông Lorenzana cũng cáo buộc hai tàu khảo sát của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang chuẩn bị thực hiện chuyến đi thứ 5 đến Trung Quốc vào cuối tháng này và khi gặp giới lãnh đạo Trung Quốc, ông Duterte sẽ đưa ra phán quyết được Tòa án The Hague đưa ra năm 2016 trong đó bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc coi thường luật, các nước cùng hành động
Trung Quốc coi thường luật, các nước cùng hành động

Mỹ duy trì chiến dịch tự do hàng hải, tập trận với Malaysia

Trong khi Trung Quốc hành động quá đà ở Biển Đông, Mỹ cũng đã lên tiếng. Tư lệnh Không quân Mỹ tuyên bố, nước này không có kế hoạch giảm cường độ của chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông – một chiến dịch mà Bắc Kinh miêu tả là nguồn cơn gây ra căng thẳng ở khu vực này.

Phát biểu với các phóng viên ở Manila hồi cuối tuần vừa rồi, Tướng David Goldfein cho biết: “Sẽ không có chuyện chúng tôi giảm mức độ sẵn sàng cũng như khả năng của mình trong việc thực hiện chiến dịch tự do đi lại và bay qua vùng biển ở nơi chúng tôi cần và khi chúng tôi cần. Đó là cam kết của chúng tôi đối với khu vực”, ông Goldfein nói.

Chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông là một hình thức bác bỏ đòi hỏi chủ quyền tham lam và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong một diễn biến khác, Hải quân và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ hồi tuần trước đã tiến hành tập trận chung với Hải quân Malaysia. Đây cũng được xem là một thông điệp cảnh báo gửi đến Bắc Kinh.

Kiệt Linh/VnMedia

Bài mới
Đọc nhiều