+
Aa
-
like
comment

Biển Đông: Thông điệp của Mỹ qua công thư ở Liên Hợp Quốc

05/06/2020 06:00

Bằng công thư gửi lên Liên Hợp Quốc, Washington muốn gửi thông điệp cam kết an ninh ở Biển Đông đến các nước đồng minh, đối tác tại khu vực.

Việc trưởng phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), Đại sứ Kelly Craft, hôm 1-6 gửi công thư tới Tổng thư ký LHQ để phản đối yêu sách của Trung Quốc (TQ) về Biển Đông đang thu hút sự quan tâm của công luận và các nhà nghiên cứu.

Ông Hoàng Việt, chuyên gia luật biển quốc tế (ĐH Luật TP.HCM), nhận xét công thư cho thấy trong khi Mỹ phản đối yêu sách của TQ, họ lại có cùng lập trường với hầu hết các quốc gia khác ở Biển Đông. Rõ ràng, Bắc Kinh đang một mình đứng trên lập trường và mong muốn bá quyền ở khu vực, tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Mỹ đối lập hoàn toàn lập trường TQ

. Phóng viên: Sau khi xem công thư của Mỹ về Biển Đông, ông có thể so sánh lập trường của Washington với lập trường của TQ và các nước khác như Malaysia, Việt Nam, Philippines?

Biển Đông: Thông điệp của Mỹ qua công thư ở Liên Hợp Quốc - ảnh 1
Đại sứ Kelly Craft (phải), Trưởng phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã gửi công thư phản đối yêu sách Trung Quốc tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sau đó lên tiếng đáp trả. Ảnh: AP

+ Chuyên gia Hoàng Việt: Nội dung trong công thư ngày 1-6-2020 của Mỹ phản đối các yêu sách của TQ trên Biển Đông có thể được tóm lược thành bốn vấn đề chính.

Thứ nhất, Mỹ phản đối các lập luận về yêu sách của TQ về cái gọi là “quyền lịch sử” của TQ đối với đường lưỡi bò. Lý do là tất cả quyền của TQ (nếu có) tại Biển Đông đều không thể vượt quá các quy định về các vùng biển đã được ấn định bởi Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Trong phán quyết 2016 của Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện TQ đã nói rõ vấn đề này.

Thứ hai, Mỹ cũng phản đối các lập luận về việc TQ có quyền chủ quyền và quyền tài phán phát sinh từ việc TQ có chủ quyền đối với tất cả thực thể tại Biển Đông mà TQ gọi là Nam hải chư đảo. Các thực thể này không thể đáp ứng tiêu chuẩn là “đảo” theo Điều 121 UNCLOS. Vậy nên chúng không thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa kèm theo được. Thêm nữa, đối với những cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển thì không thể là đối tượng để yêu sách chủ quyền, cũng như không thể có được các vùng biển kèm theo. Cho nên việc TQ khẳng định họ có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại đây là phi lý và không thể chấp nhận.

Thứ ba, Mỹ cũng phản đối việc TQ tự ý tuyên bố đường cơ sở thẳng bằng cách bao quanh các cấu trúc nằm rải rác ở Biển Đông. Điều này ám chỉ trực tiếp tới đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam bị TQ chiếm phi pháp) mà TQ tự ý tuyên bố năm 1996. Đây là việc làm sai trái và đi ngược lại UNCLOS. Bởi vì chỉ có các quốc gia quần đảo mới có thể tuyên bố đường cơ sở như vậy và TQ không phải là quốc gia quần đảo.

Cuối cùng, Mỹ tỏ ý thừa nhận thông qua việc viện dẫn và yêu cầu TQ tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài. Phán quyết này được coi là một phần của luật biển quốc tế.

Tất cả bốn nội dung này đều trùng hợp với quan điểm của các quốc gia như Philippines, Việt Nam, Indonesia và phần nào của Malaysia. Điều này cho thấy không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia đều có quan điểm chung như vậy. Thực tế đã đủ để chứng tỏ sự sai trái của TQ khi đi ngược lại luật biển quốc tế và UNCLOS như thế nào.

Sự cam kết cao của Mỹ ở Biển Đông

.Vì sao Mỹ chọn thời điểm này mà không phải sớm hơn hay muộn hơn?

+ Tôi nghĩ rằng có thể Mỹ thấy đây là thời điểm thích hợp để họ thể hiện quan điểm chính thức một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ Mỹ – TQ càng ngày càng căng thẳng trong bối cảnh hai nước đang có nhiều mâu thuẫn và cạnh tranh chiến lược. Quan trọng không kém, TQ liên tục có các hành vi quấy rối và khiêu khích, bắt nạt các quốc gia ASEAN trên Biển Đông. Điều đó khiến Mỹ nhận thức rõ ràng rằng yêu sách mà TQ đang tuyên bố và tìm cách đạt được là rất nguy hiểm, mang tính đe dọa đối với khu vực.

. Ông đánh giá như thế nào về giá trị hay ý nghĩa của công thư trên mặt trận pháp lý, vốn là một trong những mặt trận mà TQ đang triển khai mạnh mẽ?

+ Công thư của Mỹ là một thông điệp quan trọng mà Washington muốn gửi đến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đối với các quốc gia ASEAN liên quan đến Biển Đông. Đó đồng thời là thông điệp răn đe mà Mỹ muốn gửi đến TQ – quốc gia chuyên ức hiếp láng giềng với các hành vi hung hăng, hiếu chiến trên Biển Đông. Công thư này dùng ở ngôi thứ nhất với chữ ký trực tiếp của Đại sứ Kelly Craft, Trưởng phái đoàn Mỹ tại LHQ, thể hiện tính đại diện cho nhà nước Liên bang Hoa Kỳ. Nó mang tính pháp lý và cam kết cao vì là quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ.

Hôm 3-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên lên tiếng đáp trả công thư của Mỹ gửi LHQ phản đối yêu sách phi pháp của TQ. Tuy nhiên, ngoài các chỉ trích chung chung và không có gì mới trước các lập trường của Mỹ được thể hiện trong công thư, phía TQ không đưa ra được bất kỳ lý lẽ thuyết phục nào có thể bảo vệ yêu sách của họ.

Ứng phó một TQ hung hăng hơn

. Mỹ đang gây sức ép khá toàn diện lên TQ, trên cả mặt trận quân sự, kinh tế và nay là giải pháp pháp lý. Có người lo ngại Mỹ càng rắn thì TQ càng ức hiếp các nước láng giềng. Ông có nghĩ như vậy không?

+ Cũng có thể kịch bản như vậy sẽ xảy ra. TQ trong lịch sử có truyền thống bắt nạt các quốc gia yếu hơn nhưng lép vế trước các đối thủ mạnh hơn. Chính vì thế, khi cạnh tranh Mỹ – TQ lên cao, dẫn tới những khó khăn về kinh tế. TQ trong nhiều năm tăng trưởng liên tục, năm nay đã tăng trưởng âm GDP. Điều đó có thể gây áp lực lên chính quyền Bắc Kinh vì phải đối mặt với những bất ổn nội bộ. Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia dự báo có khả năng TQ “chuyển lửa” ra ngoài để làm vơi bớt những bất bình trong nước. Chính vì vậy, khả năng Biển Đông sẽ là nơi để TQ hướng sự quan tâm của công chúng TQ ra bên ngoài, thông qua việc gia tăng các hoạt động mà TQ vẫn thường làm lâu nay là đe dọa, bắt nạt các nước khác.

Như vậy, các quốc gia trực tiếp liên quan trong tranh chấp Biển Đông như Philippines, Malaysia hay Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ TQ từ sau công thư và sự vào cuộc mạnh hơn của Mỹ. Thời gian vừa qua, các quốc gia mà đặc biệt là Việt Nam đối mặt rất nhiều các hành vi khiêu khích của TQ trên Biển Đông. Chắc chắn trong thời gian tới, TQ sẽ còn tiếp tục duy trì và thậm chí gia tăng các hoạt động quấy rối.

. Rõ ràng khu vực không thể vắng Mỹ, bởi nếu Washington lơ là thì mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn khi không có ông lớn nào đứng ra đối trọng Bắc Kinh. Như vậy, các quốc gia ASEAN cần ứng phó một TQ hung hăng hơn trước như thế nào?

+ Nếu nhiều quốc gia ASEAN cùng thực hiện các biện pháp pháp lý với TQ, ví dụ như việc khởi kiện và chiến thắng TQ trước tòa như Philippines đã làm thì tình hình cũng sẽ khác. Sau khi phán quyết 2016, đã xuất hiện ít nhiều sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế về việc ủng hộ hay không ủng hộ phán quyết. Nhiều quốc gia im lặng không ủng hộ phán quyết vì những lợi ích kinh tế mà TQ mang lại cho họ. Và chính vì điều đó, TQ mới có thể gia tăng các hành xử phi pháp như thời gian qua.

Nếu cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng mạnh mẽ và đồng loạt thì chắc chắn TQ cũng phải suy nghĩ lại và điều chỉnh chính sách. Vậy nên, công thư của Mỹ rất cần kèm theo một chiến lược vận động các đồng minh, đối tác của Mỹ đặc biệt như EU, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, cùng tham gia lên tiếng phản đối yêu sách của TQ tương tự Washington đã làm. Nếu được vậy thì áp lực với TQ rõ hơn và tranh chấp sẽ dễ tìm cách giải quyết hơn.

. Xin cám ơn ông.

Hy vọng nhiều đồng minh của Mỹ sẽ lên tiếng

Công thư lần này của Mỹ, cùng với phán quyết 2016 và các công hàm từ phía Malaysia, Indonesia, Việt Nam ít nhiều sẽ làm gia tăng áp lực lên tham vọng của TQ. Công thư của Mỹ cho thấy không chỉ các nước ở Biển Đông mà nay có cả quốc gia không có yêu sách chủ quyền ở khu vực cũng chính thức chống lại TQ.

Mỹ là một quốc gia lớn, có nhiều đồng minh và đối tác nên công thư của Mỹ sẽ có sức ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế, qua đó có thể ảnh hưởng TQ. Nếu các nước, nhất là đồng minh Mỹ, lần lượt gửi công thư hay có động thái tương tự nhằm chính thức bác bỏ yêu sách của TQ tại LHQ, thì Bắc Kinh sẽ gặp cản trở lớn. Càng nhiều quốc gia phản đối yêu sách TQ thì uy tín của Bắc Kinh càng suy giảm. Nếu TQ không điều chỉnh hành xử thì các nước sẽ có nhiều chọn lựa để cùng nhau gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh.

ĐỖ THIỆN/PL

Bài mới
Đọc nhiều