Biển Đông – nơi hồn dân tộc không bao giờ chịu khuất
Việt Nam ta chưa bao giờ khuất phục trước một kẻ thù nào và sẽ không bao giờ chịu khuất phục. Tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước chính là bức trường thành vững chắc nhất bảo vệ màu cờ Tổ quốc, giúp đất nước ta vững mạnh trước kẻ thù.
Trong lịch sử nhân loại, từ cổ chí kim, chưa thấy có dân tộc nào tuy đất hẹp, vũ khí thô sơ nhưng bằng tình yêu Tổ quốc vĩ đại, bằng ý chí kiên cường và trí tuệ mẫn tiệp đã đánh thắng nhiều đế quốc, thực dân hùng mạnh hàng đầu thế giới. Người Việt đánh giặc không phải để thỏa mãn tham vọng hay chiếm giữ tài nguyên, của cải. Người Việt chỉ đánh giặc ngoại xâm để cứu nước, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng mà ông cha ngàn đời đã dựng xây.
Người Việt là dân tộc yêu chuộng hòa bình. Nhưng nếu chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, hàng chục triệu người như một sẽ đoàn kết, gắn bó, một lòng nhất tề đứng lên bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và như mấy ngàn năm lịch sử vẫn còn khắc ghi, chiến thắng cuối cùng thuộc về lẽ phải; nhân dân Việt Nam sẽ chiến thắng và chủ quyền quốc gia mãi mãi trường tồn!
Từ thời các triều đại phong kiến Việt Nam đã luôn coi việc bảo vệ tấc đất biên giới là việc vô cùng cao cả, thiêng liêng. Các vị minh quân ngày xưa đã bố trí quân lính, đóng đồn, trại, tổ chức canh giữ trấn ải biên giới cẩn mật. Vua Lê Thái Tổ đặc biệt quan tâm đến “kế cửu an” cho xã tắc nơi biên giới và thường nhắc nhở con cháu “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Về sau, vua Lê Thánh Tông đã căn dặn tướng sĩ: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được… Nếu người nào dám đem một thước núi, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng”.
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biên giới quốc gia (kể cả biên giới đất liền và biên giới biển) có nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn, là nơi địa đầu – cửa ngõ của Tổ quốc, địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Biên giới quốc gia là thiêng liêng, gắn liền với giá trị độc lập tự do của dân tộc, đất nước, “dù có phải đốt sạch dãy Trường Sơn, chúng ta cũng phải giành cho được”. Để có được độc lập, tự do, trước hết, chúng ta phải giành được chủ quyền lãnh thổ, với một đường biên giới rõ ràng.
Năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955-7/5/1988) do Quân chủng Hải quân tổ chức tại đảo Trường Sa lớn. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng:
“Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Đất nước thống nhất, non sông gấm vóc ấy, kết quả của sự hy sinh không bờ bến ấy của người Việt đâu phải để cho các thế lực bành trướng coi như một miếng mồi béo bở chỉ rình rập thời cơ tranh cướp theo chiến thuật “tầm ăn lá dâu”, “được đằng chân lân đằng đầu” vô cùng xảo quyệt và cực kỳ nguy hiểm.
Ngày nay, những người Việt có dòng máu đỏ Lạc Hồng chảy trong tim đều nghĩ đến “ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời” để nhớ về công lao của thế hệ đi trước và chúng ta sẽ luôn nêu cao tinh thần: Không khuất phục trước kẻ thù!
Một quốc gia lưng tựa dãy Trường Sơn, mắt nhìn ra Biển Đông, luôn phải đương đầu với bão tố, với giặc ngoại bang nhòm ngó, không thể không lấy đó làm điều lo nghĩ. Nhưng với tinh thần “ Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ …” thì dân tộc ta sẽ luôn nêu cao tinh thần chiến đấu vì chủ quyền đất nước là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, chúng ta sẽ luôn kiên định, vững vàng, không chịu khuất phục trước bất kì kẻ thù nào.
Trước vấn đề ở biển Đông hiện nay, không ít những kẻ phản động, có tư tưởng thái hóa, biến chất đã không ngừng rao giảng việc phải chống lại Trung Quốc bằng vũ trang, phải biểu tình với cái đầu nóng, trái tim lạnh; chúng luôn nói rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam yếu mềm, nhân nhượng trước vấn đề ở biển Đông, nhưng thực chất có phải như vậy, hay đó chỉ là những lời rao giảng nhằm xuyên tạc, phục vụ mưu cầu chính trị của chúng?.
Nghị quyết 03/NQ-TƯ ngày 6-5-1993 của Bộ Chính trị (Khóa VII) về “Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt”; Chỉ thị 20-CT/TƯ ngày 22- 9-1997 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về”Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng CNH, HĐH”;
Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, đã khẳng định: “Biển, đảo là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.”
Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Đảng khẳng định: “bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Đó là những âm mưu, hành động gây chiến tranh xâm lược”;“Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chế độ; xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam bằng phương thức vũ trang hoặc phi vũ trang, cả từ bên ngoài và bên trong. Vì thế, đối tượng của cách mạng Việt Nam được xác định là, những thế lực có âm mưu và hành động chống phá nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Thái độ của Đảng rất dứt khoát, kiên quyết, khôn khéo, nhưng có những việc không thể nói công khai. Làm sao để đất nước yên bình nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền mới là giỏi”. Quan điểm “kiên trì và kiên quyết” đấu tranh không phải bây giờ mới có mà đó là sự tiếp nối nghệ thuật độc đáo “mưu, kế, thế, thời”. Nếu đường lối chính sách của Việt Nam trong việc đấu tranh với Trung Quốc bảo vệ chủ quyền biển đảo không cương quyết thì chắc hẳn bây giờ Việt Nam đã là Philippines thứ 2, bị Trung Quốc chiếm đảo Trường Sa như với Scarbororh từ lâu rồi.
Còn nhớ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận tổ quốc Việt Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ rằng “mong muốn có người phản biện sắc sảo cho Đảng và chính quyền”. Càng khó khăn thì càng phải đoàn kết, quy tụ sức trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay vì lợi ích thiêng liêng của dân tộc.
Chính phủ cũng rất mong mỏi người dân cùng nhau góp tiếng nói phản biện mạnh mẽ, hiến kế, đưa ra những sách lược để ngăn chặn tham vọng của họ. Cùng ngồi lại tìm những bằng chứng, cùng Chính phủ chuẩn bị các phương án đấu tranh. Còn ai nghĩ mình can đảm thì hãy tòng quân và cầm súng. Ai nghĩ mình có thể đóng góp về kinh tế thì hãy xây dựng kinh tế. Mỗi mặt trận muốn thắng đều cần những chiến sĩ giỏi nhất. Chiến thắng thật sự và lâu dài đến từ sự kết hợp từ nhiều mặt trận.
Tinh thần yêu nước đã ngấm sâu vào tình cảm, vào tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam qua tất cả các thời đại, làm nên một sức mạnh kỳ diệu, giúp cho dân tộc ta đánh thắng hết kẻ thù này đến kẻ thù khác cho dù chúng có hùng mạnh đến đâu. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta…”, được tiếp nối từ đời này sang đời khác, từ thế hệ đi trước đến thế hệ sau.
Chúng ta yêu nước nhưng cũng cần phỉa tỉnh táo, sáng suốt, luôn tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Những nghị quyết, chính sách của Đảng đưa ra đều luôn nhất quán, khẳng định chủ quyền đất nước là trên hết. Chính vì thế, chúng ta phải yêu nước với một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, không để kẻ thù lôi kéo, kích động, xúi giục.
Chúng ta có thể sơ tán một gia đình. Một khu vực. Một vùng đất. Nhưng không thể sơ tán một đất nước. Chỉ có một con đường : Kiên định, tỉnh táo,vận dụng hết trí tuệ và ý chí để gìn giữ không gian sống ông cha để lại, gìn giữ cuộc sống yên lành.
Ngày nay, thời thế đã khác xưa rồi. Nhân loại đang tiến dần đến hội nhập toàn cầu. Chủ quyền biển đảo của mỗi quốc gia đã có luật pháp quốc tế bảo vệ. Tuy nhiên, vẫn còn đó nguy cơ, tham vọng bành trướng, bất chấp luật pháp quốc tế.
Biển Đông rộng lớn, giàu tài nguyên, là nguồn sống của dân tộc ta từ bao đời, chúng ta cần phải hết sức chăm lo bảo vệ và khai thác, đồng thời tôn trọng chủ quyền các nước khác trong khu vực. Chiến lược nhìn ra biển Đông của nước ta, thể hiện rõ ràng điều đó. Phải giữ vững chủ quyền, phải khai thác và phát triển biển đảo thiêng liêng của đất nước bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, bằng tình yêu biển đảo vô bờ bến đã có truyền thống từ lâu đời, như bảo vệ sự sống còn của cả dân tộc, không thể khác!
Phạm Minh Hà