+
Aa
-
like
comment

Biển Đông ngày 5/11: Trung Quốc lại trở thành tâm điểm gây chú ý

05/11/2021 17:55

Biển Đông ngày 5/11 nổi bật với những thông tin như: Trung Quốc quay trở lại cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, Pháp góp mặt duy trì hòa bình biển Đông, Trung Quốc tố Mỹ là hiểm họa hạt nhân lớn nhất thế giới.

Ảnh vệ tinh cho thấy hàng trăm tàu Trung Quốc (các chấm trắng trên ảnh) quay lại tập trung ở cụm Sinh Tồn Ðông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AMTI

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi Trường Sa; Pháp cam kết đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại biển Đông

Liên quan thông tin đội tàu cá Trung Quốc đã quay trở lại cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 04/11 khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi khu vực này và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Trong khi đó, tại buổi hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 04/11, Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand đã chia sẻ về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp và khẳng định tầm quan trọng của an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Trong buổi hội kiến với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại trụ sở Bộ Nội vụ Pháp ngày 04/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gérald Darmanin khẳng định, Pháp cam kết tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại biển Đông; tăng cường hợp tác với ASEAN để nâng cao năng lực chấp pháp trên biển của các nước trong khu vực biển Đông.

ExxonMobil có thể sẽ chuyển nhượng dự án Cá Voi Xanh cho một tập đoàn Trung Quốc

Liên quan thông tin tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil xem xét rút khỏi dự án Cá Voi Xanh, các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế. Theo đó, ExxonMobil sẽ chuyển nhượng lại toàn bộ 64% cổ phần dự án cho PetroVietnam hoặc một đối tác tiềm năng khác. Nếu đàm phán chuyển nhượng thất bại, ExxonMobil có quyền chuyển nhượng cho một bên thứ ba, không loại trừ khả năng có thể rơi vào tập đoàn Trung Quốc vì họ có tiềm lực và cũng quan tâm đến dự án này.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ bàn giao máy bay C-37B cho căn cứ Andrews

Tiếp theo bản tin, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng CQ Brown, Jr. đã lái chiếc đầu tiên trong số hai máy bay C-37B mới từ căn cứ không quân Maxwell, Alabama đến bàn giao cho căn cứ liên hợp Andrews vào ngày 03/11. Được biết, máy bay C-37B có khả năng bay xuyên lục địa ở độ cao lớn, được trang bị các hệ thống liên lạc thương mại và quân sự để cung cấp khả năng liên lạc và dữ liệu an toàn và không an toàn khi đang bay.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ là “mối đe dọa hạt nhân lớn nhất thế giới”

Trung Quốc chỉ trích Mỹ là mối đe dọa hạt nhân lớn nhất thế giới

Quan hệ Mỹ – Trung vẫn rất căng thẳng. Phản ứng trước việc báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh chóng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 04/11 phản đối báo cáo không chính xác, “đầy thành kiến” và thổi phồng mối đe dọa; chỉ trích Mỹ mới là “mối đe dọa hạt nhân lớn nhất thế giới”.

Thỏa thuận “AUKUS”: Úc có thể mua tàu ngầm Los Angeles của Mỹ để huấn luyện hoạt động; LHQ thông qua dự thảo nghị quyết về kiểm soát vũ khí nhằm vào “AUKUS” do Trung Quốc đệ trình

Trong khi Úc dự kiến chế tạo ít nhất tám tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân theo thỏa thuận “AUKUS”, cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott hiện đang vận động để Úc sớm có được các tàu ngầm hạt nhân đã qua sử dụng nhằm nâng cao năng lực tàu ngầm và kỹ thuật hạt nhân của Hải quân Úc. Theo đó, Úc có thể mua một hoặc hai chiếc tàu ngầm lớp Los Angeles đã nghỉ hưu của Mỹ để làm tàu huấn luyện hoạt động. Liên hiệp quốc ngày 04/11 đã thông qua dự thảo nghị quyết kiểm soát vũ khí có tên “Thúc đẩy hợp tác quốc tế về sử dụng hòa bình trong bối cảnh an ninh quốc tế” do Trung Quốc đệ trình. Chuyên gia Trung Quốc nhận định, nghị quyết được Trung Quốc thúc đẩy với mong muốn tăng cường an ninh quốc tế bằng cách ngăn chặn sự hợp tác quân sự có hại giữa các nước, đặc biệt là thỏa thuận “AUKUS”.

Trung Quốc điều máy bay xâm nhập ADIZ Đài Loan; Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trong nhiệm kỳ của bà Thái Anh Văn

Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, Trung Quốc đã điều một máy bay chống ngầm Y-8 ASW và một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không KJ-500 AEW&C xâm nhập góc tây nam ADIZ Đài Loan vào ngày 04/11. Theo đó, Đài Loan đã điều chiến cơ, phát cảnh báo vô tuyến và triển khai hệ thống phòng không để theo dõi. Ngày 04/11, Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Đài Loan Trần Minh Thông cho rằng, Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trong nhiệm kỳ của Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, tuy nhiên ông Trần Minh Thông cũng nhìn nhận rằng an ninh eo biển Đài Loan đã căng thẳng hơn trước đây.

Khinh hạm Đức cập cảng Tokyo, dự kiến tập trận chung với Nhật Bản, Mỹ, Úc và Canada; Hai chiến cơ F-15 của Không quân Singapore đã đến sân bay quốc tế Honolulu

Khinh hạm Bayern của Hải quân Đức hiện diện tại Biển Đông lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ. (Nguồn: Defense News)

Sau khi tiến hành cuộc diễn tập “PASSEX” với tàu khu trục JS Samidare của Nhật Bản, khinh hạm Bayern của Đức đã cập cảng ở Tokyo từ ngày 05 đến 12/11. Sau đó, tàu Bayern dự kiến tiến hành cuộc tập trận chung với sự tham gia của 20 tàu chiến đến từ Nhật Bản, Mỹ, Úc và Canada. Hai chiến cơ F-15 của Không quân Singapore đã đến sân bay quốc tế Honolulu (Mỹ) từ căn cứ Không quân Andersen (Mỹ) vào ngày 03/11.

Nhật Bản dự kiến phóng tên lửa mang vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào ngày 07/11

Tên lửa Epsilon của Nhật Bản phóng từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura năm 2013. Ảnh: JAXA

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) ngày 04/11 thông báo sẽ thực hiện lại vụ phóng vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào ngày 07/11. JAXA cho biết tên lửa Epsilon-5 dự kiến sẽ được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam cùng tám vệ tinh khác của Nhật Bản vào không gian. Trước đó, JAXA đã hai lần phải dừng phóng Epsilon-5 do sự cố kỹ thuật và thời tiết.

Sơn Ca

Bài mới
Đọc nhiều